Nhiều điểm sáng
Tính chung 4 tháng, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận thặng dư 9 tỷ USD. Các chỉ số có thể coi đã có tăng trưởng rất tích cực trong 4 tháng đầu năm, thể hiện rõ xu hướng phục hồi của hoạt động xuất nhập khẩu. Một số điểm tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu có thể kể tới như:
Cả khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đều ghi nhận tăng trưởng tốt về kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, nhóm doanh nghiệp trong nước có tốc độ tăng trưởng cao hơn (tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 12,4% của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).
Xuất khẩu nhóm nông, thủy sản đạt mức tăng trưởng cao (25,7% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó thủy sản đạt 2,7 tỷ USD, tăng 5,8%; rau quả đạt 1,9 tỷ USD, tăng 38,1%, cà phê đạt 2,5 tỷ USD, tăng 53,4%, đặc biệt là mặt hàng gạo, tuy chỉ tăng 9,5% về lượng nhưng kim ngạch ghi nhận tăng 33,6% phản ánh mặt bằng giá có lợi trên thị trường. Xuất khẩu nhóm hàng nông sản – vốn là nhóm thế mạnh của khối doanh nghiệp trong nước đã đóng góp vào mức tăng trưởng tích cực của khu vực doanh nghiệp này.
Các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực tiếp tục phục hồi tốt: Gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 4,9 tỷ USD tăng 25%; hàng dệt may đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,7%; giày dép đạt 6,6 tỷ USD, tăng 7,2%, sắt thép các loại đạt 3,2 tỷ USD, tăng 28,1%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 21,5 tỷ USD, tăng 33,9%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 18,1 tỷ USD, tăng 5%.
Xuất khẩu sang hầu hết các khu vực thị trường tăng trưởng tốt, đặc biệt là các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam: sang Asean tăng 10,5%; sang Nhật Bản tăng 3,3%, Hàn Quốc tăng 8,6%, EU tăng 15,1%, Australia tăng 22,6%. Việt Nam trong năm vừa qua đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 2 đối tác lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong đó thương mại được coi là một trụ cột quan trọng. Xuất khẩu sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm đạt 17 tỷ USD, tăng 12,8%; sang Hoa Kỳ đạt 34,7 tỷ USD tăng 21,2%.
(5) Nhập khẩu đáp ứng nhu cầu cho sản xuất. Tỷ trọng các mặt hàng cần nhập khẩu tiếp tục duy trì ở mức cao (88,8%) trong tổng kim ngạch nhập khẩu.
Các giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy tận dụng các FTA
Thời gian qua, việc khai thác các Hiệp định thương mại tự do FTA được Bộ Công Thương quan tâm chú trọng và đã ghi nhận kết quả tích cực. Trong giai đoạn 10 năm 2013-2022, mức tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu có sử dụng ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định FTA là 12,7%/năm, cao hơn mức tăng bình quân tổng kim ngạch xuất khẩu (12,5%/năm giai đoạn 2013-2022).
Trong bối cảnh hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; lạm phát cao làm sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Xung đột nổ ra ở nhiều nơi … gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hoá. Bộ Công Thương đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tận dụng các Hiệp định FTA, cụ thể:
(i) Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã và đang thực hiện:
- Chủ động làm việc với các Hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn trong các ngành để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc về sản xuất, xuất khẩu hàng hoá, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo dõi, chỉ đạo.
- Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên liên tục cập nhật các thông tin về quy định, chính sách của thị trường sở tại, kịp thời thông tin, khuyến nghị đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu trên các trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
- Làm việc với các Hiệp hội ngành hàng nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan đến chi phí vận chuyển hàng hoá khi tình hình căng thẳng xảy ra tại Biển Đỏ; kịp thời có khuyến cáo các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh diễn biến bất ổn tại Israel.
- Tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường.
(ii) Các giải pháp thúc đẩy tận dụng các FTA đã và đang thực hiện:
- Đa dạng hoá hình thức tổ chức tuyên truyền rộng rãi về các ưu đãi tại các Hiệp định FTA, trong đó ứng dụng môi trường Internet và các mạng xã hội; phối hợp với các đơn vị liên quan, các tỉnh thành phố tổ chức các Hội thảo phổ biến cách thức tận dụng tối đa các cơ hội mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA;
- Triển khai vận hành tốt hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet và cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ; rà soát, đơn giản hóa quy trình cấp C/O; áp dụng khai báo C/O điện tử.
(iii) Các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu khác đã và đang thực hiện:
Bên cạnh công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tận dụng các FTA, Bộ Công Thương đã và đang triển khai một số giải pháp thúc đẩy xuất khẩu khác, trong đó có:
- Bộ Công Thương đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp các địa phương tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm phát triển các thị trường trong nước và xuất khẩu như tham gia các hoạt động hội chợ triển lãm, kết nối giao thương giữa nhà cung ứng với doanh nghiệp mua hàng, các nhà phân phối quốc tế và nhà nhập khẩu nước ngoài trực tiếp và trực tuyến.
- Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thúc đẩy công tác nghiên cứu thị trường; phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức các Hội nghị, Hội thảo theo hình thức trực tuyến nhằm phổ biến thông tin thị trường nhập khẩu (nhu cầu, thị hiếu, tiêu chuẩn chất lượng…), kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu.
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Ngoại giao trong công tác đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, đặc biệt cho các mặt hàng trái cây và sản phẩm trồng trọt.
- Định kỳ đăng tải Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản trên Cổng thông tin điện tử của Bộ; khuyến cáo về sự thay đổi trong thực thi chính sách của một số thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU …; biên soạn, phát hành cuốn Sổ tay “Một số thông tin cần biết khi xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc”, “Cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu rau quả chính ngạch sang Trung Quốc”.
- Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, thúc đẩy chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Kết quả thực hiện công tác thúc đẩy xuất khẩu, thúc đẩy tận dụng các FTA thời gian qua đạt kết quả tích cực. Trong đó, xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 156,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các Hiệp định FTA đều có sự phục hồi tốt.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các Bộ, ngành đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại mới với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa cơ hội trong các Hiệp định; thường xuyên trao đổi, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong từng ngành hàng xuất khẩu để kịp thời có giải pháp tháo gỡ, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hoá.
Tình hình xuất khẩu gạo và mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến hết quý I năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 2,18 triệu tấn, tăng 17,8% về lượng; trị giá đạt 1,43 tỷ USD, tăng 45,6% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân 653,9 USD/tấn, tăng 23,6% về giá so với quý I năm 2023.
Thị trường chính của xuất khẩu gạo trong quý I/2024 có: Philippines (trên 1,01 triệu tấn, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2023); Indonesia (trên 445 nghìn tấn, tăng 199,7%); Malaysia (gần 99 nghìn tấn, tăng 28,8%).
Để công tác điều hành xuất khẩu gạo đảm bảo mục tiêu tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, phản ứng linh hoạt, kịp thời trong tình hình thị trường có nhiều biến động, hướng đến phát triển ngành lúa gạo bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 02/3/2024 về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới. Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15/8/2023 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước và Chỉ thị số 03/CT-BCT ngày 25/3/2024 về đẩy mạnh hoạt động triển khai thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới.
Ngày 26/4/2024, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị đánh giá hoạt động xuất khẩu gạo những tháng đầu năm 2024, bàn các giải pháp, phương hướng điều hành xuất khẩu gạo với sự tham gia của đại diện Bộ ngành có liên quan, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Hội nghị đã thảo luận các thông tin về sản lượng, trữ lượng gạo trong nước, các cơ chế tín dụng cho doanh nghiệp, các cơ hội và thách thức… và thống nhất triển khai quyết liệt và đồng thời nhiều biện pháp để đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá lương thực trong nước, giảm rủi ro cho hoạt động xuất khẩu.
Trong thời gian tới, để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp sau:
(i) Về hoàn thiện thể chế: Sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các thương nhân xuất khẩu gạo.
(ii) Về hỗ trợ xuất khẩu:
- Triển khai các hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu Gạo Việt Nam, các hoạt động xúc tiến thương mại để khai thác hiệu quả lợi thế từ các Hiệp định FTA nhằm đa dạng hóa, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.
- Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các Văn phòng Xúc tiến thương mại, Trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam hỗ trợ thương nhân xuất khẩu gạo thiết lập các kênh phân phối trực tiếp; triển khai các hoạt động quảng bá gạo Việt Nam, đặc biệt là gạo chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao thâm nhập các thị trường khó tính, thị trường ngách.
- Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước theo dõi và cập nhật chính sách, động thái của các nước sản xuất và xuất khẩu gạo; kịp thời thông tin đến các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo hiệu quả.
- Hướng dẫn VFA và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu, cập nhật tình hình xuất khẩu gạo và hỗ trợ thương nhân xử lý vướng mắc trong trường hợp cần thiết.
(iii) Về cân đối cung cầu, bình ổn giá, đảm bảo an ninh lương thực trong nước:
- Theo dõi sát tình hình thị trường, chủ động chỉ đạo các địa phương có phương án chuẩn bị nguồn cung, đảm bảo cung cầu mặt hàng gạo, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, góp phần bình ổn giá gạo nói riêng và giá lương thực nói chung, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
- Đôn đốc VFA và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, bao gồm việc báo cáo định kỳ về lượng thóc, gạo tồn kho, tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo; tình hình thu mua thóc, gạo hàng hóa nhằm đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; và duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định.
- Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương theo dõi sát, kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, gây bất ổn thị trường trong nước.

Nguồn: moit.gov.vn