Áp lực thiếu đơn hàng
Theo Bộ Công Thương, do trong tháng 1/2023 có 2 kỳ nghỉ Tết, số ngày làm việc trong tháng ít nên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt thấp, tháng 2, hoạt động xuất nhập khẩu đã có sự sôi động trở lại với kim ngạch ước đạt 49,46 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu ước tăng 9,8% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ. Nhập khẩu tăng 2,3% so với tháng trước và giảm 6,7% so với cùng kỳ.
Dù tháng 2 đã khởi sắc, song Bộ Công Thương đánh giá, do thiếu vắng các đơn hàng xuất khẩu cộng thêm xu hướng giảm của giá hàng hóa đã khiến hoạt động thương mại tiếp tục chậm lại trong những tháng đầu năm 2023. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 96 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 10,4%, đạt 49,44 tỷ USD; nhập khẩu giảm 16%, đạt 46,62 tỷ USD.
Đối với hoạt động xuất khẩu, trong tháng 2/2023, kim ngạch ước đạt 25,88 tỷ USD, tăng 9,8% so với tháng 1/2023, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,08 tỷ USD, tăng 11,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19,8 tỷ USD, tăng 9,3%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2023 tăng 11%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 5,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 12,7%
Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hoá ước đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước giảm gần 21,1%, đạt 11,52 tỷ USD; khối doanh nghiệp FDI (bao gồm dầu thô) giảm 6,6%, đạt 37,92 tỷ USD.
Trong hai tháng đầu năm 2023 có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 69,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 3 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 45,9%).
Về nhập khẩu, kim ngạch trong tháng 2/2023 ước đạt 23,58 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,7 tỷ USD, tăng 2,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 15,88 tỷ USD, tăng 2,3%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2 giảm 6,7%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 7,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 6,4%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 46,62 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2022. Khối doanh nghiệp trong nước ước đạt 15,2 tỷ USD, giảm 17,3%; các doanh nghiệp FDI ước đạt 31,41 tỷ USD, giảm 15,3%.
Trong hai tháng đầu năm 2023, có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 69,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 39,3%).
Theo Bộ Công Thương, cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 2/2023 tiếp tục thặng dư 2,3 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 2 tháng đầu năm lên 2,82 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu hơn 300 triệu USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,69 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 6,51 tỷ USD.
Theo chu kỳ những năm trước, nhập siêu thường đến trong các tháng đầu năm do các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu. Nhưng năm nay với việc thiếu vắng các đơn hàng từ các thị trường chính, tình hình nhập khẩu nguyên liệu đầu vào đã phần nào trầm xuống. Điều này cũng cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu nhiều khả năng vẫn còn khó khăn trong những tháng tới.
Tiếp tục triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, ngày 3/3/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cụ thể, tiếp tục theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là các điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản.. ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng doanh nghiệp và tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp.
Bên cạnh đó, việc phát triển các thị trường khu vực bắc Âu, đông Âu, Mỹ La Tinh còn nhiều dư địa khai thác. Do đó, Bộ sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán các FTA mới như: FTA với các nước khối Mercosur (Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay) để đưa FTA này thành động lực khai thác thị trường Mỹ La Tinh; tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực Asean và một số nước châu Á để đẩy mạnh xuất khẩu.
Song song, thực hiện đánh giá toàn diện các biện pháp mở cửa trở lại của Trung Quốc, tranh thủ, tận dụng cơ hội giao lưu hợp tác giữa hai bên để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa không phải kiểm nghiệm covid. Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan tại cửa khẩu và thực hiện hiệu quả đề án xuất khẩu chính ngạch...
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững đáp ứng tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe của các nước phát triển; xu hướng phát triển bền vững, xanh hóa trong các ngành tiêu dùng, thời trang của EU; các quy định mới trong việc thẩm định chuỗi cung ứng của các quốc gia EU đối với các ngành hàng xuất khẩu...

Nguồn: Haiquanonline