Dầu thô giao sau của Mỹ và dầu Brent xuống mức thấp nhất kể từ năm 2017 trong phiên này, cả hai loại dầu này theo xu hướng giảm khoảng 40% trong quý 4/2018.
Phil Flynn, một nhà phân tích thuộc Price Futures Group ở Chicago cho biết “những gì xảy ra trên thị trường chứng khoán làm dấy lên lo sợ nền kinh tế đang đình trệ và do đó sẽ thui chột nhu cầu dầu mỏ trong tương lai”. Sự sụt giảm giá trong quý 4/2018 có thể khiến các nhà sản xuất giảm sản lượng của họ.
Dầu thô giao sau của Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ ngày 22/6/2017, khi các nhà đầu tư hốt hoảng về tác động leo thang của tranh chấp thương mại Mỹ - Trung tới tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu dầu thô. Dầu thô Brent ở mức thấp nhất kể từ ngày 17/8/2017.
Các thị trường tài sản bị áp lực giảm khi chính phủ Mỹ đóng cửa bắt đầu từ giữa đêm ngày thứ bảy (21/12/2018) làm tăng lo ngại. Các nhà đầu tư đổ xô vào các tài sản trú ẩn an toàn như vàng và trái phiếu của chính phủ.
Một thước đo chứng khoán toàn cầu đã giảm 8 phiên liên tiếp tính tới ngày 24/12/2018, do các nhà đầu tư lờ đi hành động của Bộ trưởng Tài chính Mỹ để củng cố niềm tin trong nền kinh tế, và Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Cục Dự trữ liên bang là “vấn đề duy nhất của nền kinh tế chúng tôi”.
Thượng viện Mỹ không thể phá vỡ bế tắc về nhu cầu thêm tiền của Tổng thống Trump để xây tường biên giới với Mexico và một quan chức cho biết việc đóng cửa chính phủ tiếp tục tới ngày 3/1/2019.
Dầu thô giao sau của Mỹ chốt phiên tại 42,53 USD/thùng, giảm 3,06 USD hay 6,7%. Dầu thô Brent đóng cửa giảm 3,35 USD hay 6,2% xuống 50,47 USD/thùng. Thị trường đóng cửa sớm trước lễ Giáng Sinh. Giá tiếp tục giảm sau phiên giao dịch.
Bức tranh kĩnh tế vĩ mô và tác động của nó tới nhu cầu dầu mỏ tiếp tục gây áp lực lên giá. Chứng khoán toàn cầu giảm gần 9,5% từ đầu tháng 12/2018 tới nay, tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2011, khi cuộc khủng hoảng nợ khu vực eurozone đang diễn ra.
Xung đột thương mại Mỹ Trung và triển vọng nâng lãi suất nhanh chóng của Mỹ đã khiến chứng khoán toàn cầu giảm từ mức cao kỷ lục trong năm nay và khơi mào cho những lo ngại rằng nhu cầu dầu sẽ không thể hấp thụ nguồn cung dư thừa.
Tổ chức OPEC và các đồng minh dẫn đầu là Nga đã đồng ý cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng 1/2019. Bộ trưởng Năng lượng UAE cho biết nếu điều đó không cân bằng được thị trường, OPEC và các đồng minh của họ sẽ tổ chức một cuộc họp bất thường.
Nguồn: VITIC/Reuters
 

Nguồn: Vinanet