Dấu hiệu tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể làm giảm nhu cầu dầu. Những người tham gia thị trường dầu và các nhà phân tích đang cố gắng đánh giá mức độ ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đối với nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.
Bên cạnh đó, số liệu thị trường lao động Mỹ đang hoạt động tốt hơn kỳ vọng, bất chấp những dấu hiệu ảm đạm cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại. Hơn nữa, lạm phát hàng năm ở Mỹ trong tháng 7 đã giảm so với tháng 6 nhờ giá xăng hạ nhiệt.
Xu hướng giá dầu giảm hiện đang chiếm ưu thế trên thị trường dầu. Nguyên nhân do những người tham gia thị trường lo ngại suy thoái, xuất khẩu dầu của Nga ổn định trái với dự đoán ban đầu là giảm 3 triệu thùng/ngày, hoạt động của nhà máy Trung Quốc giảm và các đợt phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu của nước này.
Những yếu tố dự báo tăng giá đầu tiên là mùa bão tháng 7 và tháng 8 ở Mỹ. Điều này có thể buộc phải đóng cửa các cơ sở sản xuất hoặc đóng cửa trước các nhà máy lọc dầu ở Vịnh Mexico. Một yếu tố tăng giá khác là việc mở bán dầu xuất từ kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của Mỹ, hiện dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 10. Đồng thời, các nhà sản xuất dầu của Mỹ cũng không tăng sản lượng lên quá nhiều - ngay cả khi giá dầu ở mức 100 USD - do các quy tắc về vốn, các ràng buộc của chuỗi cung ứng và lạm phát chi phí. Ngoài ra, lệnh cấm của EU đối với nhập khẩu dầu đường biển từ Nga dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm cũng là một yếu tố cần lưu ý.
Lo ngại suy thoái
Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ hiện đang trong tình trạng lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu gây tổn hại đến nhu cầu. Lo ngại suy thoái ở châu Âu gia tăng trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt và nguồn cung khí đốt từ Nga giảm, buộc các công ty trong một số ngành sử dụng nhiều năng lượng phải cắt giảm sản lượng. Tại Anh, Ngân hàng Trung ương cảnh báo rằng nước này sẽ bước vào cuộc suy thoái từ quý 4 năm nay và kéo dài đến cuối năm 2023.
Ngân hàng SEB cho biết trong một báo cáo nghiên cứu vào đầu tuần này, các vị thế đầu cơ mua ròng – chênh lệch giữa đặt cược giá lên và xuống – dầu Brent và WTI đã giảm xuống mức rất thấp vào đầu tháng 8 do lo ngại về suy thoái và tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu.
Các nhà giao dịch cho hay thị trường dầu thô giao ngay cũng đang chậm lại do lo ngại kinh tế trì trệ hoặc suy thoái kinh tế.
"Thị trường đang có xu hướng giảm vào thời điểm này. Không ai vội vàng giao dịch", một nhà giao dịch có trụ sở tại Singapore cho biết.
Tuy nhiên, dữ liệu việc làm mới nhất của thị trường lao động Mỹ đã vượt xa ước tính của các nhà phân tích. Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết tổng số việc làm trong biên chế phi nông nghiệp đã tăng 528.000 trong tháng 7 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5%. Các con số này đã "đập tan" ước tính của Dow Jones về tăng 258.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp 3,6%.
Một số nhà phân tích cho rằng giá dầu WTI giảm 9% trong tuần trước đã được phóng đại và những lo ngại về kinh tế có thể bị thổi phồng quá mức.
Caroline Bain, nhà kinh tế hàng hóa trưởng tại Capital Economics ở London, nói với Houston Chronicle : "Thị trường có thể đang định giá trong bối cảnh gia tăng lo ngại suy thoái"
Diễn biến giá dầu trong ngắn hạn sẽ được dẫn dắt bởi toàn cảnh nền kinh tế, lạm phát và việc tăng lãi suất, nhưng một số yếu tố có thể khiến giá tăng trở lại. Những yếu tố này bao gồm công suất dự phòng toàn cầu rất thấp, OPEC + không có khả năng cung cấp nhiều hơn sản lượng hiện tại và việc Nga đối đầu với phương Tây. Việc nguồn cung của Nga cho các thị trường có thể bị ảnh hưởng như thế nào và liệu Putin có đơn giản ngừng bán dầu cho những nước tham gia giới hạn giá đối với dầu của Nga hay không sẽ trở nên rõ ràng hơn trong những tháng tới. Giới hạn giá bao gồm việc cho phép bảo hiểm và các dịch vụ khác đối với các chuyến hàng dầu của Nga, nhưng Nga đã nói rằng họ sẽ không xuất khẩu dầu của mình nếu giới hạn giá được đặt thấp hơn giá thành sản xuất.
Trong khi một số nhà phân tích nói rằng giá dầu thậm chí còn xuống thấp hơn với những cuộc suy thoái đang xuất hiện, những người khác cho rằng cuộc suy thoái này có thể khác và không dẫn đến sự sụt giảm thực tế về nhu cầu dầu hàng năm.
Goldman Sachs đã điều chỉnh giảm dự báo giá dầu Brent trong quý này xuống 110 USD/thùng, giảm so với dự đoán 140 USD/thùng trước đó, nhưng họ tin rằng vẫn có nhiều khả năng giá dầu tăng.