Dầu thô Brent giao sau giảm 6 US cent xuống 72,83 USD/thùng và giá dầu thô WTI giao sau giảm 55 US cent tương đương 0,86% xuống 63,14 USD/thùng. Như vậy, cả 2 loại dầu đã giảm hơn 15% kể từ mức cao đỉnh điểm gần 4 năm đạt được hồi đầu tháng 10 do lo lắng các lệnh trừng phạt Iran sắp diễn ra sẽ làm giảm nguồn cung toàn cầu.
Mỹ đồng ý để 8 quốc gia, trong đó có Ấn Độ, Iraq và Hàn Quốc tiếp tục nhập khẩu dầu của Iran sau khi nước này bị tái áp đặp lệnh trừng phạt ngày 5/11. Theo luật pháp Mỹ những lệnh miễn trừ như vậy chỉ có thể được cấp tối đa 180 ngày. Danh sách đầy đủ các nước được miễn áp dụng lệnh trừng phạt này sẽ được công bố chính thức vào ngày chính sách có hiệu lực. Tuy nhiên, EU sẽ không nhận được sự miễn trừ.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ, Fatih Donmez cho biết, nước này sẽ nhận được sự miễn trừ từ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Ngày 2/11 Iran cho biết họ không lo ngại về việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt.
Gene McGillian, giám đốc nghiên cứu thị trường thuộc Tradition Energy tại Stamford cho biết “dường như tất cả những lo lắng về nguồn cung đang thắt chặt do mất dầu từ Iran trong thị trường này đã cạn kiệt”.
Giá dầu chịu áp lực giảm do sản lượng dầu toàn cầu tăng đáng kể trong 2 tháng qua. Số liệu của Bộ Năng lượng Nga cho biết, trong tháng 10/2018 nước này đã bơm 11,41 triệu thùng/ngày, cao nhất 30 năm. Mỹ cho rằng, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ vượt nhu cầu trong năm tới, khiến các nước dễ dàng cắt giảm nhập khẩu dầu Iran xuống bằng 0. Ngoài ra, trong tháng 10/2018, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC đã tăng sản lượng dầu lên 33,31 triệu thùng/ngày, tăng 390.000 thùng/ngày và là mức cao nhất của tổ chức này kể từ năm 2016.
Mỹ đang chạy đua với Nga thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới, với sản lượng dầu thô của Mỹ hiện nay trên 11 triệu thùng/ngày.
Theo công ty năng lượng Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu của Mỹ sụt giảm 1 giàn khoan trong tuần này, giảm lần đầu tiên trong 4 tuần, đưa tổng số giàn khoan giảm xuống 874 giàn.
Nguồn: VITIC/Reuters
 

Nguồn: Vinanet