Trong năm 2021, giá xăng dầu trong xu thế tăng, chủ yếu do kinh tế toàn cầu phục hồi sau thời gian ảnh hưởng vì đại dịch COVID-19, trong khi nguồn cung từ các nước sản xuất vẫn thấp. Giá dầu Brent chạm mức cao nhất trong 3 năm, đạt 86,70 USD vào ngày 25/10. Tuy nhiên, các ca lây nhiễm biến thể Omicron ở châu Âu, châu Á và Mỹ tăng mạnh khiến nhà đầu tư lo ngại rằng những biện pháp phong tỏa mới có thể làm giảm nhu cầu nhiên liệu, phản ứng của thị trường đã tác động tới giá dầu giảm xuống dưới 70 USD/thùng vào đầu tháng 12/2021. Sau đó giá dầu đã hồi phục trở lại do lo ngại nguồn cung thắt chặt và sự suy giảm mạnh hơn dự kiến lượng tồn trữ dầu thô của Mỹ.

Trong phiên chiều 31/12, giá thô Brent giao sau giảm 3 US cent xuống 79,50 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ (WTI) giảm 10 US cent, tương đương 0,1% xuống 76,89 USD/thùng.

Trong tháng 12/2021, giá dầu Brent, dầu WTI và xăng RON 92 tại thị trường Singapore tăng khoảng 12%.

Dầu Brent kết thúc năm tăng 53%, trong khi WTI tăng 58%, mức tăng mạnh nhất đối với cả hai loại dầu kể từ năm 2009, khi giá tăng hơn 70%. Cả hai hợp đồng đều chạm đỉnh năm 2021 vào tháng 10 với dầu Brent ở mức 86,70 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2018 và WTI ở mức 85,41 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2014.
Theo OPEC, nhu cầu dầu thô trên thế giới năm 2022 sẽ tăng thêm 4,1 triệu thùng/ngày so với năm 2021 lên trung bình 100,7 triệu thùng/ngày.
Nguồn cung dầu của các nước ngoài OPEC năm 2022 tăng 3,0 triệu thùng/ngày so với năm 2021, đạt 66,7 triệu thùng/ngày.
OPEC+: Biến thể Omicron chỉ tác động tạm thời tới thị trường dầu
Hãng tin Reuters trích một báo cáo kỹ thuật cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+ đánh giá tác động của biến thể Omicron đối với thị trường dầu mỏ khá nhẹ và tạm thời, qua đó để ngỏ khả năng liên minh này sẽ tiếp tục tăng sản lượng hơn nữa.
Theo báo cáo từ Ủy ban kỹ thuật chung (JTC) của OPEC+, tác động của biến thể Omicron mới sẽ không lớn và chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn, khi các nước trên thế giới đã được trang bị tốt hơn để đối phó với dịch COVID-19 và các thách thức liên quan.
OPEC+ nhất trí duy trì chính sách dầu mỏ hiện nay trong tháng 2
Ngày 4/1, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đã quyết định duy trì mức tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày trong tháng 2 tới, trong bối cảnh biến thể Omicron vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.
Trước đó, OPEC+ đã từ chối đề xuất tăng nhanh sản lượng của Mỹ để kiềm chế đà tăng của giá nhiên liệu, do lo ngại tình trạng cung vượt cầu có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi mong manh của ngành năng lượng.
Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, OPEC+ buộc phải cắt giảm mạnh sản lượng dầu mỏ do nhu cầu giảm. Tuy nhiên, trong năm 2021, tổ chức này đã quyết định tăng dần sản lượng trở lại khi giá dầu phục hồi, đồng thời tiến hành đánh giá tình hình hằng tháng.
Chuyên gia nhận định giá dầu sẽ không đạt các mức của năm 2021
Trong năm 2022, giá dầu thế giới sẽ không đạt các mức cao được ghi nhận trong năm ngoái, do nguồn cung năng lượng dự kiến sẽ tăng mạnh hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường.
Nhà phân tích dầu mỏ Kuwait Mohammed Al-Shatti cho rằng trong năm 2022, giá dầu thế giới sẽ không đạt các mức cao được ghi nhận trong năm ngoái, do nguồn cung năng lượng dự kiến sẽ tăng mạnh hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của các thị trường.
Biến thể Omicron có thể sẽ có "tác động thấp hơn" đến đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu, mặc dù lĩnh vực hàng không có thể sẽ bị ảnh hưởng khi số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng trên thế giới.

Nguồn: VITIC/Reuters