Giá dầu thô Brent tăng 20 US cent, tương đương 0,3%, lên 76,19 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Mỹ (WTI) ở mức 72,26 USD/thùng, tăng 21 cent, tương đương 0,3%. Dầu Brent tăng 0,5% vào thứ Hai, trong khi WTI tăng 0,6%.
Hiroyuki Kikukawa, chủ tịch của NS cho biết: “Giá dầu đang được hỗ trợ bởi nhu cầu xăng dầu của Mỹ tăng theo mùa từ tuần tới, việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ từ tháng này và kế hoạch mua hàng của Mỹ để bổ sung cho Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR)”.
Ông cho biết thêm: “Nhưng những lo lắng về các cuộc đàm phán về trần nợ của Mỹ và khả năng tăng thêm lãi suất của Mỹ đã hạn chế mức tăng.
Tuần trước, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết họ sẽ mua 3 triệu thùng dầu thô để bổ sung cho SPR giao hàng vào tháng 8/2023.
Việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh bao gồm Nga, được gọi là OPEC+, có hiệu lực trong tháng này cũng được cho là sẽ khiến thị trường dầu mỏ thắt chặt.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo hôm thứ Hai rằng dự kiến sẽ thâm hụt nguồn cung dầu từ tháng 6 khi việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ được thực hiện đầy đủ và nhu cầu tăng hơn nữa.
Châu Á sẽ dẫn đầu phần lớn mức tăng trưởng nhu cầu dầu, bổ sung khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày (bpd) mức tiêu thụ trong nửa cuối năm nay, Giám đốc điều hành của hãng buôn bán năng lượng và hàng hóa Vitol cho biết hôm thứ Hai.
Dù vậy, giới đầu tư cũng đang tập trung vào các cuộc đàm phán nâng trần nợ của Mỹ, nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Nhu cầu:

Trung Quốc: Nhu cầu xăng dầu tăng 1,4 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2023. Sự phục hồi nhu cầu xăng dầu được thúc đẩy bởi nguyên liệu hóa dầu; Naphtha. Việc dỡ bỏ các hạn chế do Covid-19 đã dẫn đến du lịch hàng không phục hồi mạnh hơn dự kiến, theo đó nhu cầu nhiên liệu máy bay tăng 0,17 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước. Tổng lượng hành khách của ngành hàng không nội địa tăng 192% so với cùng kỳ năm trước.
Thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô (CAAM) cho thấy doanh số bán xe mới ở Trung Quốc tăng gần 10% đạt 2.451.000 chiếc trong tháng 3/2023, tăng mạnh so với 2.234.000 chiếc từ tháng 3/2022.
Số liệu công bố ngày 13/4 cho thấy nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 3/2023 tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước đó lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2020, khi các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu nhiên liệu và đón đầu đà phục hồi của nền kinh tế trong nước. Nhập khẩu dầu thô trong tháng 3/2023 đạt 52,3 triệu tấn, tương đương 12,3 triệu thùng/ngày. Con số này cao hơn đáng kể so với mức nhập khẩu 10,1 triệu thùng dầu/ngày vào tháng 3/2022. Tính chung trong quý I/2023 năm 2023, tổng lượng dầu thô nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ở mức 136,6 triệu tấn, tăng 6,7% so với 127,9 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga trong tháng 3/2023 đã tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước lên khoảng 9,6 triệu tấn. Về khối lượng, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2022, với việc Nga vượt Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho quốc gia châu Á này. Tuy nhiên, về mặt giá trị, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga chỉ tăng 3% lên 5,09 tỷ USD. Ngược lại, trong tháng 3/2023, Bắc Kinh đã nhập khẩu khoảng 8,9 triệu tấn dầu thô từ Saudi Arabia với giá trị 5,36 tỷ USD cho thấy quốc gia châu Á này đã mua dầu của Nga với giá rẻ hơn.
Trong khi đó, cũng trong tháng 3/2023, Trung Quốc nhập khẩu khí đốt qua đường ống của Nga tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước lên 580 triệu USD. Trong cuộc hội đàm thượng đỉnh tại Moskva vào cuối tháng 3/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã nhất trí thúc đẩy việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới giữa hai nước, dự án này được kỳ vọng sẽ làm sâu sắc hơn nữa hợp tác kinh tế song phương.
Trung Quốc tiếp tục mua năng lượng từ Nga trong bối cảnh kinh tế Nga đang chịu ảnh hưởng của tình hình xung đột tại Ukraine. Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, thương mại song phương giữa hai nước đã đạt 190 tỷ USD trong năm 2022.
Số liệu trên phù hợp với kỳ vọng các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động và tồn kho sản phẩm giảm do nhu cầu được cải thiện, sau khi chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch vào cuối năm ngoái.
Giới quan sát cũng dự kiến nhu cầu tiêu thụ dầu hỏa sẽ tăng, khi ngành hàng không Trung Quốc phục hồi với các hạn chế đi lại được dỡ bỏ. Ngoài ra, các nhà phân tích từ ngân hàng ANZ cũng viện dẫn giá dầu thô mua từ Nga thấp hơn là một yếu tố thúc đẩy nhập khẩu của Trung Quốc.
Nhu cầu dầu thô cũng được dự kiến sẽ tăng tại các nhà máy lọc dầu tư nhân lớn như Zhejiang Petrochemical (ZPC) và Hengli Petrochemical. Những nhà máy này được cho là đang hoạt động ở mức hoặc cao hơn công suất chính thức để thu lợi nhuận cao hơn từ mảng lọc dầu. Tính chung ZPC và Hengli hiện chiếm 6,5% trong tổng công suất lọc dầu của Trung Quốc.
Với việc chính phủ tập trung vào việc phục hồi tăng trưởng kinh tế trong năm nay sau khi bỏ các biện pháp kiểm soát COVID, một số nhà phân tích đang kỳ vọng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2023.
Ấn Độ: Nhu cầu xăng dầu của Ấn Độ vẫn duy trì mức tăng trong tháng 3/2023, tăng 0,3 triệu thùng/ngày so với năm trước đó, đạt 5,5 triệu thùng/ngày. Nhu cầu xăng dầu được hỗ trợ mạnh bởi kinh tế tăng trưởng kể từ khi nới lỏng các hạn chế Covid-19.
Nhu cầu xăng dầu được thúc đẩy bởi hoạt động, sản xuất kinh doanh các ngành công nghiệp. Thu nhập của người tiêu dùng tăng, thúc đẩy hoạt động du lịch, tổng lưu lượng hành khách hàng không của Ấn Độ (trong nước và quốc tế) tăng.
Nhu cầu dầu diesel được hỗ trợ mạnh mẽ từ hoạt động sản xuất, sản lượng công nghiệp, tỷ lệ lạm phát giảm.
Chỉ số PMI sản xuất ở Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng, đạt 56,4 điểm trong tháng 3/2023 so với 55,3 điểm trong tháng 2/2023. Lạm phát giảm xuống 5,6% trong tháng 3/2023 từ mức 6,4% trong tháng 2/2023.
Trong năm 2022, nhu cầu dầu đã phục hồi. Lưu lượng giao thông đã tăng trở lại, nhu cầu xăng và dầu diesel sẽ tăng dựa trên triển vọng kinh tế tiếp tục phát triển và nhu cầu về nhiên liệu vận tải. Lĩnh vực công nghiệp phát triển sẽ hỗ trợ cho nhu cầu dầu diesel, LPG và naphtha. Trong quý II/2023, nhu cầu dầu của Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng 0,3 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước đó.
OECD Châu Âu: Nhu cầu dầu trong khu vực vẫn giảm trong tháng 02/2023, giảm 0,2 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, là tháng thứ sáu giảm liên tiếp.
Khu vực đang phải đối mặt với thách thức khó khăn, do đang diễn ra căng thẳng địa chính trị, cùng với lạm phát và hoạt động kinh tế chậm lại, tiếp tục tác động đến nhu cầu dầu mỏ trong khu vực.
Triển vọng về nhu cầu dầu mỏ của châu Âu trong quý I/2023 không cải thiện do tăng trưởng GDP của khu vực sẽ giảm. Ngoài ra, áp lực lạm phát làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế trong khu vực và căng thẳng địa chính trị tiếp tục là thách thức lớn. Ngành công nghiệp hóa dầu trong khu vực cũng vẫn yếu. Tuy nhiên duy trì tăng trưởng trong hoạt động lĩnh vực hàng không và chuyển đổi từ khí đốt sang dầu đang diễn ra sẽ hỗ trợ nhu cầu dầu trong thời gian tới. Theo đó nhu cầu dầu trong quý I và quý II/2023 ở OECD dự kiến sẽ tăng nhẹ 30 nghìn thùng/ngày.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Trung Quốc sẽ chiếm gần 50% mức tăng nhu cầu dầu thô trong năm 2023 sau khi nước này nới lỏng các biện pháp kiềm chế dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, hạn chế sản xuất có thể gây ra sự thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm.
Theo IEA, nhu cầu dầu của thế giới sẽ tăng 2 triệu thùng/ngày trong năm 2023, lên mức kỷ lục 101,9 triệu thùng/ngày.
Dự báo của OPEC: Vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu thế giới trong năm 2023 sẽ tăng thêm 2,3 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 101,9 triệu thùng/ngày trong năm nay. Trước đó, ngày 14/2, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2023 sau khi Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới, chấm dứt chính sách kiểm soát dịch COVID-19 nghiêm ngặt.
Trong báo cáo thị trường hằng tháng, OPEC cho rằng chìa khóa cho tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ trong năm 2023 sẽ là việc Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế đi lại bắt buộc và tác động của biện pháp này đối với Trung Quốc, khu vực và thế giới.

Nguồn: VITIC/Reuter