Dầu thô Brent giao sau tăng tới 118,22 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 2 năm 2013. Dầu thô Mỹ đạt mức cao nhất trong 11 năm là 114,70 USD/thùng, tăng 2,41 USD, tương đương 2,2%.
ANZ của Úc đã nâng dự báo giá dầu trong ngắn hạn lên 125 USD/thùng, do tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể tăng thêm.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nga là nhà sản xuất dầu số 3 thế giới và là nước xuất khẩu dầu lớn nhất ra thị trường toàn cầu. Cơ quan này cho biết xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga đạt 7,8 triệu thùng/ngày trong tháng 12.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh OPEC +, đã quyết định duy trì sản lượng tăng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 3.
Trong khi đó, tồn kho dầu của Mỹ tiếp tục giảm. Kho dự trữ dầu tại Cushing, Oklahoma ở mức thấp nhất kể từ năm 2018, trong khi dự trữ chiến lược của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất gần 20 năm.
Các bộ trưởng của 23 nước thuộc OPEC+ chung quan điểm giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng dầu ở mức 400.000 thùng/tháng vào tháng 4 tới trong cuộc họp trực tuyến kéo dài khoảng 15 phút.
Ngày 2/3, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng dầu ở mức 400.000 thùng/tháng vào tháng 4 tới, bất chấp giá dầu tăng kỷ lục. Giá dầu thế giới trong ngày 2/3 đã vượt ngưỡng 113 USD/thùng, mức cao nhất trong gần 8 năm qua.
Theo báo cáo của OPEC, trong giai đoạn từ tháng 12/2021-1/2022, các thành viên OPEC đã tăng sản lượng thêm 64.000 thùng/ngày, đưa tổng sản lượng của khối lên 27,981 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng 400.000 thùng/ngày mà OPEC+ nỗ lực hướng tới kể từ tháng 8/2021, khi liên minh này bắt đầu thu hẹp dần các mức cắt giảm sản lượng.

Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng 4%

Giá khí đốt tự nhiên của Mỹ tăng khoảng 4% lên gần mức cao nhất trong 4 tuần vào thứ Tư, do giá dầu và khí đốt toàn cầu tăng cao, khi xung đột Nga-Ukraine leo thang, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung năng lượng.

Nga, nhà sản xuất khí đốt lớn thứ hai thế giới, thường cung cấp khoảng 30% đến 40% lượng khí đốt của châu Âu, với tổng sản lượng khoảng 16,3 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) vào năm 2021.

Hợp đồng khí đốt giao sau tăng 18,9 cent, tương đương 4,1%, lên mức 4,762 USD/ triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 3 tháng 2.

Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv cho biết sản lượng khí đốt trung bình ở 48 bang của Mỹ đang trên đà tăng lên 93,2 bcfd trong tháng 3 từ mức 92,5 bcfd vào tháng 2, khi nhiều giếng dầu khí hoạt động trở lại sau khi đóng băng hồi đầu năm. Con số đó so với kỷ lục hàng tháng là 96,2 bcfd vào tháng 12.

Với thời tiết ấm hơn sắp tới, Refinitiv dự báo nhu cầu khí đốt trung bình của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ giảm từ 122,2 bcfd trong tuần này xuống 108,1 bcfd vào tuần tới.

Lượng khí đốt đến các nhà máy xuất khẩu LNG của Mỹ đã giảm từ mức kỷ lục 12,44 bcfd trong tháng Giêng xuống 12,43 bcfd trong tháng Hai và 11,73 bcfd cho đến nay vào tháng Ba.

Các nhà giao dịch cho biết nhu cầu đối với LNG của Mỹ sẽ duy trì ở mức hoặc gần mức kỷ lục, khi các công ty trên khắp thế giới cạnh tranh hàng hóa để đáp ứng nhu cầu gia tăng ở châu Á và bổ sung hàng tồn kho thấp ở châu Âu.

Nguồn: VITIC/Reuters