Dầu thô Brent tăng 54 cent, tương đương 0,6%, lên 95,19 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ (WTI tăng 72 cent, tương đương 0,8% lên 89,09 USD/thùng.
Cả 2 loại dầu đã tăng khoảng 2% trong phiên trước khi đồng USD giảm.
Thông tin tác động lên giá dầu là các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm khoảng 6,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 28 tháng 10, theo các nguồn thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ.
Tồn kho xăng giảm nhiều hơn dự kiến, với lượng tồn trữ giảm 2,6 triệu thùng so với dự báo giảm 1,4 triệu thùng của các nhà phân tích.
Chính sách không COVID của Trung Quốc là yếu tố then chốt trong việc kiềm chế giá dầu khi các đợt áp dụng các biện pháp hạn chế liên tục đã làm giảm tốc độ tăng trưởng và làm giảm nhu cầu dầu ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Đồng đô la yếu hơn làm cho hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Đồng bạc xanh trượt khỏi mức đỉnh gần một tuần so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nâng dự báo về nhu cầu dầu mỏ thế giới trong trung và dài hạn. Nhu cầu dầu mỏ của thế giới sẽ đạt 103 triệu thùng/ngày vào năm 2023, tăng 2,7 triệu thùng/ngày so với năm 2022 và tăng 1,4 triệu thùng/ngày so với dự báo được đưa ra vào năm trước.
OPEC cũng nâng dự báo nhu cầu trong trung hạn (đến năm 2027) thêm 2 triệu thùng/ngày. OPEC dự báo đến năm 2030, nhu cầu dầu mỏ trung bình của thế giới là 108,3 triệu thùng/ngày, và đến năm 2045 là 109,8 triệu thùng/ngày.
Trong báo cáo, OPEC cho rằng tình trạng hạn chế nguồn cung sẽ kéo dài trong trung hạn, với sản lượng của OPEC trong năm 2027 sẽ thấp hơn mức của năm 2022, trong khi nguồn cung của các nước không thuộc OPEC sẽ tăng lên.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 27/10 cho rằng nhu cầu tất cả nhiên liệu hóa thạch của thế giới sẽ lên tới đỉnh điểm hoặc gần như không thay đổi theo mô hình tính toán của cơ quan này, trong đó nhu cầu dầu thô sẽ giảm từ giữa thập kỷ tới.
Bắt đầu từ tháng 11, Saudi Arabia sẽ cắt giảm sản lượng dầu 573.000 thùng/ngày, động thái được thực hiện trong khuôn khổ quyết định của OPEC+ nhằm duy trì sự ổn định của thị trường dầu mỏ. Với việc cắt giảm này, sản lượng dầu mỏ của hai nước Saudi Arabia và Nga sẽ ở mức 10,478 triệu thùng/ngày.
Saudi Arabia đã tăng sản lượng khai thác dầu trong thời gian 16 tháng liên tiếp, bắt đầu từ tháng 4/2021 khi sản lượng ở mức khoảng 8.134 triệu thùng/ngày.
Điều này đồng nghĩa Saudi Arabia đã nâng sản lượng dầu của nước này khoảng 2,917 triệu thùng/ngày trong giai đoạn nêu trên.
Sự phục hồi trong lĩnh vực lọc dầu và xuất khẩu nhiên liệu của Trung Quốc trong tháng 9/2022 vẫn không đủ bù đắp cho sự thiếu hụt, khiến nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới tiếp tục bổ sung kho dự trữ.
Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã sản xuất 13,88 triệu thùng dầu thô/ngày trong tháng 9/2022. Đây là mức cao nhất trong 9 tháng qua, đồng thời là mức tăng đầu tiên trong năm kể từ tháng 11/2021.
Tuy nhiên, tổng lượng dầu thô có sẵn cho các nhà máy lọc dầu là 13,88 triệu thùng/ngày, bao gồm nhập khẩu 9,79 triệu thùng/ngày và sản lượng nội địa là 4,09 triệu thùng/ngày.
Điều này có nghĩa là lượng dầu thô hiện có nhiều hơn 60.000 thùng/ngày so với lượng dầu đã qua xử lý, điều này có nghĩa rằng vẫn còn một lượng nhỏ dầu thô tồn kho mặc dù sản lượng của nhà máy lọc dầu đã phục hồi.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đã nhập thêm khoảng 400.000 thùng/ngày vào kho dự trữ, phần lớn là do hoạt động tinh chế dầu thấp hơn nhập khẩu dầu thô, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu dầu diesel của Trung Quốc đã tăng trong tháng 9/2022 lên khoảng 433.000 thùng/ngày, tăng so với mức 200.000 thùng/ngày của tháng 8/2022 và là mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ tháng 07/2021.
Trong khi xuất khẩu dầu diesel vẫn giảm 68% trong 9 tháng đầu năm, sự phục hồi trong tháng 9/2022 cho thấy một số hy vọng rằng Trung Quốc sẽ tăng xuất khẩu nhiên liệu vận tải trong những tháng tới.