Dầu thô Brent giao sau tăng 59 cent, tương đương 0,6%, lên 105,23 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ (WTI) tăng 60 cent, tương đương 0,6%, lên 101,20 USD/thùng. Cả hai loại dầu tăng hơn 6% trong phiên trước.
Dữ liệu mới nhất cho thấy sản lượng dầu ngưng tụ và khí đốt của Nga đã giảm xuống dưới 10 triệu thùng/ngày vào thứ hai (11/4), mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2020.
Trong khi đó, các báo cáo về việc nới lỏng một phần biện pháp hạn chế COVID-19 của Trung Quốc đã tạo tâm lý lạc quan trên thị trường trong tuần này.
Đồng thời, nhu cầu nhiên liệu của Mỹ dường như rất mạnh, khi dữ liệu ngành cho thấy tồn trữ xăng giảm 5,1 triệu thùng và tồn trữ sản phẩm chưng cất giảm 5 triệu thùng, các nguồn tin trích dẫn số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ.
Nhu cầu dầu thế giới
Nhu cầu dầu tại Trung Quốc vẫn phục hồi trong tháng 02/2022, mặc dù các ca nhiễm Covid-19 gia tăng tại một số thành phố lớn. Nhu cầu dầu tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu tăng được thúc đẩy bởi các nhà máy của Trung Quốc và nhu cầu từ hộ gia đình tăng trong thời tiết mùa đông lạnh giá. Nhu cầu LPG tăng 0,2 triệu thùng/ngày so với năm trước. Nhu cầu Naphtha tăng 0,20 triệu thùng/ngày do nhu cầu của ngành công nghiệp hóa dầu tăng.
Tuy nhiên, các nhiên liệu dùng cho giao thông vận tải chính đã bị ảnh hưởng bởi việc áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại do Covid-19, nhu cầu xăng ghi nhận mức tăng nhẹ 0,09 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhu cầu đối với dầu diesel giảm. Nhu cầu về nhiên liệu bay vẫn bị ảnh hưởng bởi việc giảm các chuyến bay nội địa và quốc tế do lây lan biến chủng Covid mới. Theo Cục thống kê và phân tích quốc gia Trung Quốc, doanh thu trong ngành hàng không dân dụng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã phục hồi trong tháng 3/2022, nhưng không có khả năng tăng nhiều hơn do nhu cầu nhiên liệu đang giảm trong bối cảnh dịch COVID-19 và giá dầu cao. Nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới đã nhập khẩu 10,88 triệu thùng/ngày (bpd) trong tháng 3/2022, tăng từ mức thấp nhất trong 4 tháng là 9,51 triệu thùng/ngày vào tháng 02/2022, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 11,54 triệu thùng/ngày của tháng 01/2022.
Sự tăng vọt có thể phần lớn là do nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu tăng lên khi các hạn chế về ô nhiễm được dỡ bỏ sau Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh vào tháng 02/2022, và do nhu cầu nhiên liệu tăng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Nhập khẩu dầu thô tháng 4/2022 hạn chế và có khả năng giảm nhiều hơn trong tháng 5/2022.
Các ca nhiễm Covid-19 gia tăng tại một số thành phố lớn của Trung sẽ tác động tới nhu cầu dầu mỏ Trung Quốc năm 2022. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc dự báo sẽ tăng trưởng vững. Dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2022 tăng 0,5 triệu thùng/ngày, từ mức tăng 1,0 triệu thùng/ngày trong năm 2021. Trong những tháng tới, nhu cầu nhiên liệu máy bay dự kiến sẽ phục hồi hơn, khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng. Số lượng các chuyến bay nội địa tại Trung Quốc trong tháng 02/2022 tăng 33% so với tháng trước.
Trong tháng 02/2022 nhu cầu đối với dầu diesel và dầu máy bay vẫn ở dưới mức trước đại dịch.
Trong năm 2021, nhu cầu dầu của Ấn Độ phục hồi đáng kể, gần mức đạt được trước đại dịch vào năm 2019, được hỗ trợ bởi nền kinh tế vĩ mô ổn định, mặc dù những lo ngại về lạm phát đang được chính phủ giải quyết. Trong năm 2022, với dự kiến tăng trưởng kinh tế 7,2% và sẽ nhanh chóng ngăn chặn được biến thể Omicron Covid-19, nhu cầu dầu dự kiến sẽ phục hồi. Lưu lượng giao thông đã tăng trở lại, nhu cầu xăng và dầu diesel sẽ tăng dựa trên triển vọng kinh tế tiếp tục phát triển và nhu cầu về nhiên liệu vận tải. Lĩnh vực công nghiệp phát triển sẽ hỗ trợ cho nhu cầu dầu diesel, LPG và naphtha, nhu cầu về nhiên liệu máy bay sẽ tăng chậm.
OECD Châu Âu: Nhu cầu dầu tiếp tục phục hồi trong tháng 01/2022 so với tháng 01/2021, tăng 1,3 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, được hỗ trợ bởi các hoạt động kinh tế trong khu vực. Nhu cầu về nhiên liệu vận tải là dầu diesel và dầu máy bay.
Dự báo các chỉ số kinh tế vĩ mô của OECD châu Âu, bao gồm cả sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2022. Do đó nhu cầu dầu mỏ dự đoán sẽ tăng được hỗ trợ bởi lĩnh vực giao thông vận tải và nhiên liệu công nghiệp.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới năm 2022, đồng thời cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt với Nga có thể gây ra một “cú sốc” về nguồn cung trên toàn cầu.
Trong báo cáo hàng tháng, IEA đã giảm gần 1 triệu thùng/ngày trong dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu xuống còn 99,7 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Dù vẫn còn quá sớm để biết được tình hình hiện nay sẽ diễn biến như thế nào, nhưng cuộc khủng hoảng này có thể dẫn đến những sự thay đổi lâu dài cho thị trường năng lượng.
Nga, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã bị áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt quốc tế. Điều này đã khiến giá dầu thế giới tăng mạnh. Dù các biện pháp trừng phạt này không nhằm vào thị trường năng lượng, nhưng IEA cho biết các công ty dầu lớn, các hãng vận tải và nhiều ngân hàng đã “tránh hoạt động kinh doanh với Nga”. Ngoài ra, Mỹ và Anh đã công bố các lệnh cấm nhập khẩu dầu từ nước này.
Cơ quan này cho rằng khả năng gián đoạn trên quy mô lớn trong hoạt động sản xuất của Nga do các lệnh trừng phạt diện rộng cũng như việc các công ty tránh mua dầu của Nga đang đe dọa gây ra một cú sốc về nguồn cung dầu trên toàn cầu.
Dự báo của OPEC: Trong năm 2021, nhu cầu dầu toàn cầu tăng 5,8 triệu thùng/ngày, đạt 96,8 triệu thùng/ngày. Nhu cầu chậm hơn so với dự đoán ở các nước tiêu thụ chính của OECD và sự gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19.
Trong khu vực OECD, nhu cầu dầu năm 2021 tăng 2,8 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt 44,7 triệu thùng/ngày do nhu cầu xăng giảm do nhiều nước áp dụng các biện pháp hạn chế làm giảm nhu cầu về nhiên liệu vận tải.
Tại khu vực ngoài OECD, nhu cầu dầu năm 2021 tăng 3,1 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt 52,0 triệu thùng/ngày. Nhu cầu tăng được thúc đẩy bởi các nước Trung Đông và Châu Phi. Kinh tế phục hồi mạnh sẽ kích thích nhu cầu nhiên liệu công nghiệp, nhu cầu nhiên liệu hóa dầu sẽ hỗ trợ tăng trưởng nhu cầu năm 2021. Các chương trình kích thích kinh tế và nới lỏng các biện pháp Covid-19, trong bối cảnh việc triển khai tiêm chủng vắc xin được đẩy nhanh.
Hiện tại trong tháng 4/2022 những thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu- đặc biệt về tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ chậm lại, lạm phát gia tăng và bất ổn chính trị đang diễn ra sẽ tác động đến nhu cầu dầu ở các khu vực.
OPEC dự báo trong năm 2022, nhu cầu dầu thô trên thế giới tăng 3,67 triệu thùng/ngày so với năm 2021 lên trung bình 100,5 triệu thùng/ngày.
Giá khí tự nhiên hóa lỏng tại Mỹ đạt mức cao nhất trong 13 năm
Giá khí đốt tự nhiên của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 13 năm vào thứ ba (13/4), với sản lượng của Mỹ giảm mạnh và nhu cầu cao hơn vào tuần tới.
Sau khi tăng gần 5% trước đó trong phiên cùng với mức tăng 7% giá dầu thô, các nhà giao dịch cho biết giá khí đốt của Mỹ đã tăng trở lại.
Hợp đồng khí đốt giao sau tăng 3,7 cent, tương đương 0,6%, lên mức 6,680 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 11 năm 2008 trong ngày thứ hai liên tiếp.
Hợp đồng khí đốt tại Mỹ đã tăng khoảng 78% cho đến nay trong, khiến nhu cầu về khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ gần mức cao kỷ lục.
Các kho dự trữ khí đốt của Mỹ hiện thấp hơn khoảng 17% so với mức trung bình của 5 năm (2017-2021) cho thời điểm này trong năm.
Nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv cho biết sản lượng khí đốt trung bình ở 48 tiểu bang của Mỹ đã tăng lên 94,6 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) trong tháng 4 từ mức 93,7 bcfd vào tháng 3. Con số đó so với kỷ lục hàng tháng là 96,3 bcfd vào tháng 12.
Lượng khí đến các nhà máy xuất khẩu LNG của Mỹ đã giảm từ mức kỷ lục 12,9 bcfd vào tháng 3 xuống 12,3 bcfd cho đến nay vào tháng 4 do phần lớn sự sụt giảm tại cơ sở của Freeport LNG ở Texas.