-Theo số liệu của OPEC, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 02/2022 tăng 0,96 triệu thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 99,50 triệu thùng/ngày.
- Trong năm 2021, nhu cầu dầu toàn cầu tăng 5,7 triệu thùng/ngày, đạt 96,6 triệu thùng/ngày.
-Theo OPEC, nhu cầu dầu thô trên thế giới năm 2022 tăng thêm 4,1 triệu thùng/ngày so với năm 2021 lên trung bình 100,8 triệu thùng/ngày.
- Nguồn cung dầu của các nước ngoài OPEC năm 2022 tăng 3,0 triệu thùng/ngày so với năm 2021, đạt 66,7 triệu thùng/ngày.
Thị trường xăng dầu thế giới tháng 3/2022 biến động rất mạnh, lên mức cao nhất kể từ tháng 7 năm 2008. Trong phiên giao dịch ngày 07/3/2022, giá dầu Brent chạm mức 139,13 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) đạt 130,50 USD/thùng, và giá xăng RON 92 đạt mức 143,19 USD/thùng vào ngày 09/3. Giá xăng dầu đã tăng hơn 30% kể từ khi căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine. Tính từ đầu năm 2022, giá xăng dầu đã tăng khoảng hơn 50%.
Những yếu tố tác động tăng giá dầu trong tháng 3/2022:
Giá dầu tăng mạnh do xung đột giữa Nga và Ukraine, làm tăng thêm những lo ngại về nguồn cung dầu gián đoạn.
Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) vẫn chật vật tìm cách đảm bảo hạn ngạch sản xuất, thâm hụt năng lượng nghiêm trọng trên toàn cầu đã tác động đến giá tăng.
Nguồn cung
Theo số liệu sơ bộ của OPEC, nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 02/2022 tăng 0,96 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 99,50 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô của 13 quốc gia OPEC trong tháng 02/2022 tăng 0,44 triệu thùng/ngày so với tháng trước đó, đạt trung bình 28,47 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô tăng chủ yếu tại Saudi Arabia và Libya, trong khi sản lượng giảm Nigeria và Equatorial Guinea.
Sản lượng dầu mỏ của khu vực ngoài OPEC trong năm 2021 (gồm NGL của OPEC) giảm 0,06 triệu thùng/ngày so với năm trước, đạt trung bình 63,6 triệu thùng/ngày. Sản lượng điều giảm ở nguồn cung từ Brazil, Canada, Trung Quốc.
Mỹ: Sản lượng dầu thô của Mỹ năm 2021 giảm 0,07 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt mức trung bình 11,21 triệu thùng/ngày. Sản lượng khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ năm 2021 tăng 30 nghìn thùng/ngày lên mức trung bình 5,44 triệu thùng/ngày. Trong năm 2022, sản lượng dự báo trung bình khoảng 11,8 triệu thùng/ngày.
Nga: Sản lượng dầu mỏ của Nga trong tháng 01/2022 tăng 72 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 11,27 triệu thùng/ngày. Ước tính trong tháng 02/2022 đạt 10,12 triệu thùng/ngày, tăng 80 nghìn thùng/ngày so với tháng trước. Trong năm 2022, sản lượng dầu mỏ dự báo sẽ tăng 0,96 triệu thùng/ngày, đạt mức trung bình 11,76 triệu thùng/ngày.
Na Uy: Sản lượng dầu của Na Uy giảm đáng kể trong tháng 01/2022, sau khi khối lượng dầu thô đạt mức cao nhất trong 11 năm vào tháng 12/2021. Sản lượng dầu thô của Na Uy trong tháng 01/2022 giảm 0,12 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt 1,97 triệu thùng/ngày. Sản lượng NGL và khí ngưng tụ giảm 9 nghìn thùng/ngày trong tháng 01/2022 so với tháng trước, đạt 0,23 triệu thùng/ngày.
Trong năm 2022, sản lượng dẩu mỏ dự báo sẽ tăng 0,13 triệu thùng/ngày đạt trung bình 2,13 triệu thùng/ngày, giảm 26 nghìn thùng/ngày so với báo cáo trước, điều chỉnh giảm chủ yếu là do sản xuất trong tháng 01/2022 giảm. Sản lượng dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng vào quý IV/2022 khi khởi động các dự án nước ngoài mới như Nova, Hod, Njord Future, Bauge và Fenja-giai đoạn 1. Johan Sverdrup giai đoạn 2 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2022.
Brazil: Sản lượng dầu thô của Brazil trong tháng 01/2022 tăng 194 nghìn thùng/ngày, đạt trung bình 3,03 triệu thùng/ngày. Sản lượng nhiên liệu sinh học (chủ yếu là ethanol) tăng 29 nghìn thùng/ngày, đạt 623 nghìn thùng/ngày.
Tổng sản lượng nhiên liệu lỏng của Brazil gồm cả nhiên liệu sinh học trong tháng 01/2022 tăng 223 nghìn thùng/ngày, đạt 3,75 triệu thùng/ngày. Năm 2021 sản lượng nhiên liệu lỏng đạt 3,60 triệu thùng/ngày, giảm 0,08 triệu thùng/ngày so với năm 2020.
Trong năm 2022, dự báo nguồn cung nhiên liệu của Brazil tăng 0,18 triệu thùng/ngày đạt trung bình 3,77 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô dự kiến sẽ tăng thông qua hai dự án khởi động mới.
Trung Quốc: Sản lượng dầu mỏ của Trung Quốc trong tháng 01/2022 tăng 0,2 triệu thùng/ngày so với tháng trước, đạt trung bình 4,4 triệu thùng/ngày. Sản lượng dầu thô trong tháng 01/2022 tăng 0,2 triệu thùng/ngày, đạt trung bình 4,08 triệu thùng, tăng 83 nghìn thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2021.
Các công ty Trung Quốc tăng đầu tư theo chiến lược đã hoạch định để nâng sản lượng dầu. Trong năm 2021, sản lượng dầu mỏ tăng 0,14 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt 4,3 triệu thùng/ngày. Trong năm 2022, dự báo sản lượng dầu mỏ đạt 4,36 triệu thùng/ngày, tăng 0,06 triệu thùng/ngày so với năm 2021.
Canada: Sản lượng dầu mỏ của Canada trong tháng 01/2022 giảm 132 nghìn thùng/ngày so với tháng liền trước, đạt trung bình 5,41 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu thô tổng hợp trong tháng 01/2022 đạt 0,90 triệu thùng/ngày, giảm 334 nghìn thùng/ngày so với tháng trước, sản lượng giảm do thời tiết băng giá đã ảnh hưởng đến sản xuất.
Nguồn cung dầu của Canada trong năm 2021 tăng 0,33 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt trung bình 5,49 triệu thùng/ngày. Trong năm 2022 nguồn cung dầu dự báo sẽ tăng chậm hơn, tăng 0,18 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 5,65 triệu thùng/ngày.
Sản lượng dầu mỏ khu vực ngoài OPEC năm 2021 đạt 63,6 triệu thùng/ngày, tăng 0,7 triệu thùng/ngày so với năm 2020. Dự báo năm 2022 tăng khoảng 3,02 triệu thùng/ngày so với năm 2021, đạt trung bình 66,6 triệu thùng/ngày. Những nước đóng góp vào tăng trưởng nguồn cung trong năm 2022 là Mỹ, Nga, Brazil, Canada, Kazakhstan và Na Uy.
Nhu cầu
Trung Quốc: Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), thị trường xe mới đã tăng gần 1% lên 2,53 triệu chiếc trong tháng 01/2022 từ 2,50 triệu chiếc trong tháng 01/2021, đã tác động đến nhu cầu xăng dầu. Nhu cầu Naphtha tăng 0,20 triệu thùng/ngày do nhu cầu hóa dầu và công nghiệp nhẹ tăng. Nhu cầu LPG tăng 0,12 triệu thùng/ngày so với năm trước do nhu cầu trong dân cư và hóa dầu tăng.
Trong số nhiên liệu dùng cho giao thông, nhu cầu xăng tăng 0,16 triệu thùng/ngày trong tháng 01/2022 so với cùng kỳ năm trước do lưu lượng giao thông tăng, tuy nhiên nhu cầu về nhiên liệu bay vẫn bị ảnh hưởng bởi việc giảm các chuyến bay nội địa và quốc tế do lây lan biến chủng Covid mới. Theo Cục thống kê và phân tích quốc gia Trung Quốc, doanh thu trong ngành hàng không dân dụng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước.
Nhập khẩu dầu thô năm 2021 của Trung Quốc giảm 5,4% so với năm 2020, giảm lần đầu tiên kể từ năm 2001, khi Bắc Kinh kìm lĩnh vực lọc dầu để hạn chế sản xuất dư thừa nhiên liệu trong nước, trong khi các nhà máy lọc dầu giảm lượng tồn kho.
Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, năm 2021 nhập khẩu dầu thô trung bình 10,26 triệu thùng/ngày, giảm 5,4% so với năm 2020 xuống còn 512,98 triệu tấn so với mức 542,39 triệu tấn của năm 2020.
Biến thể Omicron sẽ tác động tới nhu cầu dầu mỏ Trung Quốc năm 2022. Dự báo nhu cầu dầu năm 2022 tăng 0,6 triệu thùng/ngày, từ mức tăng 1,0 triệu thùng/ngày trong năm 2021. Trong những tháng tới, nhu cầu nhiên liệu máy bay dự kiến sẽ phục hồi hơn, khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng. Số lượng các chuyến bay nội địa tại Trung Quốc trong tháng 02/2022 tăng 33% so với tháng trước.
Ấn Độ: Do ảnh hưởng các ca nhiễm Covid-19 tăng và áp dụng các biện pháp hạn chế đã ảnh hưởng đến nhu cầu dầu trong tháng 01/2022. Tổng nhu cầu dầu trong tháng 01/2022 của Ấn Độ ở mức 4,9 triệu thùng/ngày. Nhu cầu nhiên liệu vận tải giảm, nhu cầu về xăng và dầu diesel giảm khoảng 0,04 triệu thùng/ngày và 0,1 triệu thùng/ngày. Doanh số bán xe không tăng nhiều như dự kiến, giảm 17% cho dòng xe du lịch và 10% xe tải trong tháng 01/2022.
Hoạt động của các nhà máy Ấn Độ trong tháng 01/2022 giảm xuống mức thấp nhất trong 4 tháng.
Trong năm 2021, nhu cầu dầu của Ấn Độ phục hồi đáng kể, gần mức đạt được trước đại dịch vào năm 2019, được hỗ trợ bởi nền kinh tế vĩ mô ổn định, mặc dù những lo ngại về lạm phát đang được chính phủ giải quyết. Trong năm 2022, với dự kiến tăng trưởng kinh tế 7,2% và sẽ nhanh chóng ngăn chặn được biến thể Omicron Covid-19, nhu cầu dầu dự kiến sẽ phục hồi. Lưu lượng giao thông đã tăng trở lại, nhu cầu xăng và dầu diesel sẽ tăng dựa trên triển vọng kinh tế tiếp tục phát triển và nhu cầu về nhiên liệu vận tải. Lĩnh vực công nghiệp phát triển sẽ hỗ trợ cho nhu cầu dầu diesel, LPG và naphtha, nhu cầu về nhiên liệu máy bay sẽ tăng chậm.
OECD Châu Âu: Nhu cầu dầu tiếp tục phục hồi trong tháng 12/2021 so với tháng 12/2020, tăng 1,4 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước, được hỗ trợ bởi các hoạt động kinh tế trong khu vực. Nhu cầu về nhiên liệu vận tải là dầu diesel và dầu máy bay.
Dự báo các chỉ số kinh tế vĩ mô của OECD châu Âu, bao gồm cả sản xuất công nghiệp sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2022. Do đó nhu cầu dầu mỏ dự đoán sẽ tăng được hỗ trợ bởi lĩnh vực giao thông vận tải và nhiên liệu công nghiệp.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới năm 2022, đồng thời cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt với Nga có thể gây ra một “cú sốc” về nguồn cung trên toàn cầu.
Trong báo cáo hàng tháng, IEA đã giảm gần 1 triệu thùng/ngày trong dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu xuống còn 99,7 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Dù vẫn còn quá sớm để biết được tình hình hiện nay sẽ diễn biến như thế nào, nhưng cuộc khủng hoảng này có thể dẫn đến những sự thay đổi lâu dài cho thị trường năng lượng.
Nga, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã bị áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt quốc tế. Điều này đã khiến giá dầu thế giới tăng mạnh. Dù các biện pháp trừng phạt này không nhằm vào thị trường năng lượng, nhưng IEA cho biết các công ty dầu lớn, các hãng vận tải và nhiều ngân hàng đã “tránh hoạt động kinh doanh với Nga”. Ngoài ra, Mỹ và Anh đã công bố các lệnh cấm nhập khẩu dầu từ nước này.
Theo IEA, không thể đánh giá thấp tác động của khả năng mất nguồn cung dầu từ Nga cho các thị trường toàn cầu.
Cơ quan này cho rằng khả năng gián đoạn trên quy mô lớn trong hoạt động sản xuất của Nga do các lệnh trừng phạt diện rộng cũng như việc các công ty tránh mua dầu của Nga đang đe dọa gây ra một cú sốc về nguồn cung dầu trên toàn cầu.
Dự báo của OPEC: Trong năm 2021, nhu cầu dầu toàn cầu tăng 5,7 triệu thùng/ngày, đạt 96,7 triệu thùng/ngày. Nhu cầu chậm hơn so với dự đoán ở các nước tiêu thụ chính của OECD và sự gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19.
Trong khu vực OECD, nhu cầu dầu năm 2021 tăng 2,7 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt 44,6 triệu thùng/ngày do nhu cầu xăng giảm do nhiều nước áp dụng các biện pháp hạn chế làm giảm nhu cầu về nhiên liệu vận tải.
Tại khu vực ngoài OECD, nhu cầu dầu năm 2021 tăng 3,1 triệu thùng/ngày so với năm 2020, đạt 52,0 triệu thùng/ngày. Nhu cầu tăng được thúc đẩy bởi các nước Trung Đông và Châu Phi. Kinh tế phục hồi mạnh sẽ kích thích nhu cầu nhiên liệu công nghiệp, nhu cầu nhiên liệu hóa dầu sẽ hỗ trợ tăng trưởng nhu cầu năm 2021. Các chương trình kích thích kinh tế và nới lỏng các biện pháp Covid-19, trong bối cảnh việc triển khai tiêm chủng vắc xin được đẩy nhanh.
Hiện tại trong tháng 03/2022 những thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu- đặc biệt về tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo sẽ chậm lại, lạm phát gia tăng và bất ổn chính trị đang diễn ra sẽ tác động đến nhu cầu dầu ở các khu vực.
OPEC dự báo sang năm 2022, nhu cầu dầu thô trên thế giới tăng thêm 4,1 triệu thùng/ngày so với năm 2021 lên trung bình 100,8 triệu thùng/ngày.
Ở thời điểm hiện tại, giá dầu đang chịu tác động từ những yếu tố:
- Lo ngại ngày càng gia tăng về tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu đang đẩy giá dầu tăng trở lại sau 3 tuần thị trường biến động bất thường.
- Bất kỳ sự mất mát nào về sản lượng của Nga sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường vốn đang mong manh, trong đó nguồn cung dầu toàn cầu đã không theo kịp với nhu cầu tăng cao sau đại dịch.
- Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng cho biết các kho dự trữ dầu thương mại ở các nước phát triển đã giảm nhanh chóng do nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu. Các nước phương Tây cũng đã giải phóng dầu từ nguồn dự trữ khẩn cấp nhằm hạ nhiệt nhưng giá dầu vẫn cao hơn gấp đôi.
- Báo cáo của IEA cho biết sản lượng dầu thô của Nga có thể giảm tới 3 triệu thùng/ngày trong tháng 4, tương đương 3% tổng sản lượng của thế giới, và cảnh báo thế giới có thể đang ở trong "cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu mỏ lớn nhất trong nhiều thập kỷ".
- Ảnh hưởng từ dịch Covid-19 ở Trung Quốc có thể ít nghiêm trọng hơn dự đoán, khi nước này đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế.
- Florian Thaler, giám đốc điều hành của OilX, công ty theo dõi dòng chảy dầu toàn cầu, cho biết sản lượng dầu của Nga đã thực sự tăng trong tháng 3/2022 và cho biết thêm rằng: “Doanh số bán các sản phẩm tinh chế bắt đầu giảm, nhưng xuất khẩu dầu thô vẫn tăng mạnh”.
- Giá dầu tăng mạnh gây ra bởi một cú sốc nguồn cung đột ngột có thể kéo giảm nhu cầu dầu, từ đó sẽ khiến giá giảm.
- Sự biến động giá dầu đi đôi với các cuộc xung đột liên quan đến các nhà sản xuất dầu lớn. Bên cạnh rủi ro nguồn cung còn có sự nghi ngờ về nhu cầu. Dấu hiệu quan trọng tiếp theo sẽ là cách tiếp cận của châu Âu đối với các biện pháp trừng phạt năng lượng Nga và các cuộc đàm phán hạt nhân Iran, điều này có thể khiến nguồn cung dầu tăng từ Iran vào thi trường. Nếu điều đó xảy ra sẽ khiến giá dầu giảm.
- Các nước EU và những nước khác bao gồm cả Trung Quốc tiếp tục mua dầu của Nga, bất chấp lệnh cấm của Mỹ. Ấn Độ, quốc gia thường nhập khẩu khoảng 150.000 thùng dầu thô của Nga mỗi ngày, có thể tăng lên hơn 500.000 thùng/ngày trong tháng 4/2022.
- Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết giá dầu thô xuất khẩu của Nga hiện đang bán với giá thấp hơn nhiều so với Brent để thu hút người mua.
- Chuyên gia Thaler của OilX đã cho biết nhập khẩu và nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đang có xu hướng thấp hơn nhiều so với năm 2021. Song ngược lại, tiêu thụ ở Mỹ, thị trường xăng dầu lớn nhất thế giới, vẫn ở gần mức cao lịch sử, trên 20 triệu thùng/ngày trong những tuần gần đây mặc dù giá xăng trong nước tăng kỷ lục.
- Việc tính toán tác động từ các lệnh trừng phạt đối với nguồn cung cấp năng lượng của Nga - nhà xuất khẩu dầu thô và sản phẩm dầu mỏ lớn nhất thế giới – đã trở nên phức tạp bởi thị trường đan xen nhiều yếu tố khó đoán như cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, khả năng nới lỏng các hạn chế đối với các nhà xuất khẩu dầu mỏ Venezuela và Iran, chính sách phong tỏa chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc – nhà nhập khẩu xăng dầu lớn nhất thế giới.
Nhà sản xuất dầu Saudi Aramco đã tăng giá bán chính thức tháng 5 (OSP) cho châu Á đối với loại dầu thô Arab Light, chênh 9,35 USD/thùng so với dầu thô Oman/Dubai, mức cao nhất từ trước đến nay.
Châu Á có mức tăng giá lớn nhất đối với tất cả các loại dầu thô, tiếp theo là Tây Bắc Âu, Địa Trung Hải và Mỹ.
Giá dầu thô của Saudi Arabia tại châu Á tăng kỷ lục do xuất khẩu dầu từ Nga bị ảnh hưởng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết vào tháng 3, các thị trường dầu mỏ có thể mất 3 triệu thùng / ngày (bpd) sản phẩm thô và tinh chế của Nga kể từ tháng 4.
Tuy nhiên, mức tăng 4,40 USD/thùng đối với giá dầu thô Arab Light tháng 5 thấp hơn một chút so với mức tăng 5 USD dự kiến trong một cuộc khảo sát của Reuters. Các thương nhân cho biết Saudi Aramco có thể đã kiềm chế việc tăng giá sau khi tăng giá hơn dự kiến vào tháng 4.
 

Nguồn: VITIC/Reuter