Các quan chức tại Châu Á đã phản đối hành động được dự kiến này, chỉ ra tình trạng thị trường thắt chặt và giá nhiên liệu tăng đang gây thiệt hại cho ngành công nghiệp.
Nguồn tin này đã xác nhận một báo cáo của Washington Post rằng chính quyền sẽ kết thúc việc miễn trừ trừng phạt họ đã cấp cho một số quốc gia nhập khẩu dầu của Iran cuối năm ngoái.
Dầu thô Brent kỳ hạn tăng khoảng 3,2% lên 74,31 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 1/11/2018, trong đầu phiên giao dịch 22/4/2019 phản ứng với dự đoán nguồn cung thắt chặt. Dầu thô WTI kỳ hạn của Mỹ đã tăng khoảng 3% lên 65,87 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 30/10/2018.
Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn kết thúc miễn trừ để cố gắng gây áp lực kinh tế tối đa với Iran bằng cách cắt giảm xuất khẩu dầu của họ và giảm nguồn doanh thu chính của họ xuống bằng 0.
Trong tháng 11/2019, Mỹ đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt với xuất khẩu dầu của Iran sau khi Tổng thống Trump đơn phương rút khỏi hiệp ước hạt nhân năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc thế giới.
Tuy nhiên, Washington đã cấp miễn trừ cho 8 khách hàng lớn nhất của Iran (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp) cho phép họ mua một khối lượng dầu hạn chế trong 6 tháng.
Nhà bình luận Josh Rogin của tờ báo Post trích dẫn 2 quan chức Bộ Ngoại giao dấu tên rằng trong ngày 22/4/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo sẽ thông báo “rằng tới ngày 2/5 Bộ Ngoại giao sẽ không cấp miễn trừ trừng phạt cho bất kỳ quốc gia nào hiện nay đang nhập khẩu dầu thô hay khí ngưng tụ của Iran”.
Trong ngày 17/4/2019, Frank Fannon, trợ lý Bộ Ngoại giao Mỹ về tài nguyên năng lượng nhắc lại quan điểm của chính quyền rằng “mục tiêu của chúng tôi là đưa xuất khẩu của Iran xuống bằng 0 càng nhanh càng tốt”.
Peter Kiernan, nhà phân tích năng lượng hàng đầu tại Economist Intelligence Unit (EIU) cho biết thiếu hụt sản lượng từ Iran sẽ gây áp lực lên phía nguồn cung, dựa vào tình trạng chính trị không rõ ràng hiện nay đang tàn phá các nhà xuất khẩu dầu khác, như Venezuela và Libya.
Các thị trường dầu mỏ đã thắt chặt trong năm nay vì việc cắt giảm sản lượng của OPEC. Dẫn tới giá dầu Brent tăng hơn 30% kể từ tháng 1/2019, và WTI tăng hơn 40%.
Các nhà phân tích cho biết họ dự kiến chính quyền Trump thúc ép OPEC và Saudi Arabia dừng việc hạn chế nguồn cung để làm yên lòng thị trường về tình trạng thiếu hụt dầu mỏ.
Tổng thống Trump đã nói chuyện với Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman qua điện thoại trong tuần trước, và Nhà Trắng cho biết ông đã sử dụng cuộc gọi để bàn luận cách thức duy trì áp lực tối đa chống lại Iran.
Châu Á bị thiệt hại nặng nhất
Việc kết thúc miễn trừ sẽ gây thiệt hại nặng nhất cho các khách hàng Châu Á. Các khách hàng dầu mỏ lớn nhất của Iran là Trung Quốc và Ấn Độ, cả hai đã vận động hành lang để gia hạn miễn trừ trừng phạt.
Geng Shuang, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một cuộc họp báo hàng ngày tại Bắc Kinh rằng họ phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ chống lại Iran và rằng sự hợp tác song phương của Trung Quốc với Iran là phù hợp với pháp luật.
Ông không nói Trung Quốc có chú ý tới lời kêu gọi của Mỹ cắt giảm nhập khẩu dầu thô từ Iran xuống bằng 0 không.
Dong Xiucheng, giám đốc nghiên cứu chính sách năng lượng tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế ở Bắc Kinh cho biết “các công ty Trung Quốc có thể giảm nhập khẩu từ Iran để cho thấy tuân thủ phần nào đó” nhưng bổ sung rằng “Trung Quốc không thể cắt giảm hoàn toàn nhập khẩu từ Iran, đơn giản vì nó không phù hợp với chính sách ngoại giao dài hạn của Trung Quốc”.
Tại Ấn Độ, các nhà máy lọc dầu bắt đầu tìm kiếm nguồn cung thay thế. Tuy nhiên, chính phủ từ chối bình luận chính thức.
Một nguồn tin dấu tên tại Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết “chúng tôi đã làm việc với chính quyền Mỹ về vấn đề này và khi phía Mỹ đưa ra nhận xét về vấn đề này thì chúng tôi sẽ đưa ra bình luận”.
Sukrit Vijayakar, giám đốc công ty tư vấn năng lượng Trifecta của Ấn Độ nói “tôi dự kiến Ấn Độ sẽ giảm phù hợp với các lệnh trừng phạt”.
Hàn Quốc, một đồng minh thân cận của Mỹ, là một khách hàng lớn mua khí ngưng tụ (một dạng dầu thô siêu nhẹ) của Iran. Kim Jae-kyung của Viện Kinh tế Năng lượng Hàn Quốc cho biết việc kết thúc miễn trừ trừng phạt sẽ là một vấn đề nếu Hàn Quốc không thể mang khí ngưng tụ giá rẻ của Iran cho các nhà sản xuất hóa dầu Hàn Quốc.
Nhật Bản một đồng minh thân cận khác của Mỹ tại Châu Á cũng là khách hàng lớn với dầu thô của Iran. Chính quyền này cũng từ chối bình luận, nhưng Takayuki Nogami, nhà kinh tế trưởng tại Tập đoàn Dầu khí và kim loại quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) cho biết việc kết thúc miễn trừ trừng phạt không phải là một chính sách tốt của Trump. Nogami cho biết ông dự kiến giá dầu tăng tiếp vì các lệnh trừng phạt của Mỹ và việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+.
Trước khi tái áp đặt các lệnh trừng phạt, Iran là nhà sản xuất lớn thứ 4 của OPEC sản xuất gần 3 triệu thùng/ngày, nhưng xuất khẩu trong tháng 4/2019 giảm xuống dưới 1 triệu thùng/ngày, theo số liệu của Refinitiv.
Nguồn: VITIC/Reuters
 

Nguồn: Vinanet