Trung Quốc và Ấn Độ chủ yếu dựa vào nguồn cung than trong nước, tình trạng dư thừa than ở châu Âu và nhu cầu dự kiến giảm vào mùa đông đã khiến thị trường này gần như ngừng nhập khẩu than trong quý I/2023. Do đó, các nước đã đẩy mạnh xuất khẩu sang các khu vực tiêu thụ cao ở châu Á, làm tăng nguồn cung trong khu vực vốn đã dư thừa than từ Indonesia, Australia, Nga và Nam Phi.
Một thương nhân ở Singapore cho biết, Trung Quốc đang trong quá trình phục hồi kinh tế nên nhiệt điện trở thành điều tất yếu để giúp phục hồi với tốc độ nhanh hơn. Than đá vẫn là nguồn năng lượng chính ở Trung Quốc đang thu hút nguồn nhập khẩu từ các nước trên thế giới.
Nhu cầu điện đang tăng dần, khiến Trung Quốc tiếp tục tiêu thụ than ở mức cao, do đó nước này cần phải nhập khẩu để cân bằng giá than trong nước.
Giá giảm do nguồn cung dư thừa
Do nhu cầu yếu của châu Á trong khoảng 10 tuần nay, giá than nhiệt đã giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm đến nay. Giá FOB Kalimantan 4.200 kcal/kg GAR đạt mức 60 USD/tấn vào ngày 5/6/2023, loại Newcastle 5.500 kcal/kg NAR với 23% tro đạt mức 88 USD/tấn.
Giá than nhiệt của Nam Phi tiếp tục giảm mạnh khi người tiêu dùng ở châu Âu mua nguồn cung cấp thay thế, mặc dù than của Richard's Bay được giảm giá mạnh.
Giá FOB than Richards Bay 5.500 kcal/kg NAR đạt mức 89,15 USD/tấn vào ngày 5/6/2023, giảm so với mức 264,25 USD/tấn trong cùng kỳ năm trước.

Nguồn cung than dư thừa, các nước đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc

Các nước châu Âu cũng đang tìm cách khai thác thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, để xuất khẩu than trong bối cảnh nguồn cung dồi dào tại các kho dự trữ than nhiệt ở các cảng châu Âu và nhu cầu than giảm do mức dự trữ khí đốt tự nhiên và sản xuất năng lượng tái tạo cao.
Theo các nguồn tin, lượng than dự trữ tại châu Âu đang dư thừa khoảng 20 triệu tấn than, trong khi nhu cầu vào mùa đông thấp hơn dự kiến do nhiệt độ ít khắc nghiệt hơn.
Một thương nhân ở Indonesia cho rằng, hiện tại các nước đang muốn xuất khẩu sang Trung Quốc vì đây là thị trường lớn duy nhất có thể tiêu thụ khối lượng lớn và không gặp khó khăn khi đấu thầu như các thị trường lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan.
Giá than tại thị trường Trung Quốc giảm
Các chuyên gia phân tích tại S&P Global cho biết than nhập khẩu đang chịu áp lực trong bối cảnh giá than nội địa của Trung Quốc giảm và họ không sẵn sàng nâng giá thầu do họ có lượng dự trữ dồi dào tại các nhà máy điện.
Với nhu cầu than công nghiệp thấp hơn và mùa hè ở Trung Quốc ít khắc nghiệt hơn, giá than trong nước cũng giảm, làm tăng sự cạnh tranh với than nhập khẩu.
Theo các nguồn tin, than 5.500 kcal/kg NAR tại thị trường Trung Quốc có giá 750 -780 Nhân dân tệ/tấn (105-110 USD/tấn), giảm so với mức 850 -880 Nhân dân tệ/tấn vào thời điểm giữa tháng 5/2023. Một loại than tương tự từ Nga Thái Bình Dương hiện có giá 118-120 USD/tấn.
Một thương nhân Indonesia cho biết, nhu cầu điện thấp hơn nhiều so với nguồn cung than trong nước và do lượng than nhập khẩu lớn, lượng tồn kho tại các cảng cũng rất cao nên dù nguồn cung than trong nước có giảm đi một chút thì vẫn có đủ đáp ứng nhu cầu trong ngắn hạn.
Theo một nguồn tin, dự trữ tại cảng Caofeidian của Trung Quốc ở mức 13,45 triệu tấn tính đến ngày 6/6/2023, giảm so với 14,27 triệu tấn vào ngày 1/6/2023. Dự trữ tại cảng Jingtang ở mức 7,60 triệu tấn, tăng từ 7,46 triệu tấn trong ngày 18/5/2023.
Theo các chuyên gia phân tích của S&P Global, sản lượng than của Trung Quốc vẫn ở mức cao và lượng than nhập khẩu đã vượt quá mục tiêu từ đầu năm đến nay, khiến nguồn cung dư thừa. Dự đoán nhu cầu nhập khẩu than sẽ tăng lên khi lượng than dự trữ giảm trong mùa hè, đây là những thời điểm đặc biệt khi các nhà nhập khẩu điều chỉnh để phù hợp với tình trạng dư cung. Nhưng một khi mọi thứ trở lại bình thường, các công ty khai thác sẽ quay trở lại các thị trường truyền thống vì chỉ các thị trường truyền thống mới có ý nghĩa đối với họ.

Nguồn: Vinanet/VITIC/spglobal.com