Theo phóng viên TTXVN tại vùng Vịnh, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, ông Abdulaziz bin Salman ngày 16/2 cho biết thỏa thuận hiện nay của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng 10 nước đối tác (OPEC+) về việc cắt giảm sản lượng sẽ được duy trì cho tới cuối năm 2023.
Trong cuộc họp mới đây nhất vào ngày 1/2 vừa qua, OPEC+ đã thống nhất giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày hiện nay, bất chấp triển vọng nhu cầu nhiên liệu đang dần cải thiện tại Trung Quốc.
Mức cắt giảm này tương đương khoảng 2% nhu cầu thế giới, được OPEC+ nhất trí thực hiện từ tháng 11/2022 đến hết năm 2023 nhằm hỗ trợ thị trường năng lượng toàn cầu.
Kênh truyền hình Ashrq dẫn lời ông Abdulaziz bin Salman cho biết Saudi Arabia vẫn thận trọng với dự báo về nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc, cũng như chưa thể đánh giá rõ về việc các nước sẽ kéo dài chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khóa đến khi nào. Bộ trưởng Abdulaziz bin Salman cũng nhấn mạnh rằng OPEC+ không thể tăng sản lượng chỉ dựa vào các dấu hiệu về lượng cầu.
Trong báo cáo thị trường hằng tháng công bố ngày 14/2, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tăng thêm 2,3 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 101,87 triệu thùng/ngày trong năm nay, nhiều hơn 100.000 thùng/ngày so với dự báo đưa ra trước đó.
Đồng quan điểm với Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), một quốc gia chủ chốt khác của OPEC, cho rằng các nước trong khối này chưa cần điều chỉnh kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu mỏ.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Bloomberg ở Dubai, Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Al Mazrouei khẳng định thị trường dầu mỏ đang ổn định và cân bằng.
Các cơ quan chuyên môn theo dõi về dầu mỏ như Goldman Sachs và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo thị trường sẽ siết chặt đáng kể trong nửa cuối năm nếu OPEC+ giữ nguyên sản lượng, vì sự xuất hiện của Trung Quốc sau thời gian dài đóng cửa do COVID-19 thúc đẩy tiêu thụ nhiên liệu phục hồi./.

Nguồn: Quang Minh - Đức Trung (TTXVN/Vietnam+)