15 nước thành viên OPEC đã bơm 32,68 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2018, giảm 460.000 thùng/ngày so với tháng 11/2018 và là tháng sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2017.
Khảo sát này cho thấy Saudi Arabia và một số đồng minh của họ hành động đơn phương để thúc đẩy thị trường khi giá dầu sụt giảm bởi nguồn cung dư thừa. Một hiệp ước chính thức của OPEC và các đồng minh của họ đã cắt giảm sản lượng trong đầu năm 2019.
Giá dầu đã giảm xuống 56 USD/thùng từ mức cao 4 năm 86 USD/thùng trong tháng 10/2018 do những dấu hiệu nguồn cung dư thừa.
Trong khi OPEC không đưa thêm hành động, các quan chức hy vọng giá sẽ được hỗ trợ bởi sản lượng tiếp tục sụt giảm trong tháng 1/2019 khi các nhà sản xuất thực thi thỏa thuận này.
Một đại biểu của OPEC cho biết liên quan tới xu hướng sản lượng “đương nhiên, nó sẽ điều chỉnh từ hiện nay”. “Tôi hy vọng thị trường này sẽ sớm phục hồi”.
OPEC, Nga và các thành viên bên ngoài khác, một liên minh được gọi là OPEC+ hồi đầu tháng 12/2018 đã đồng ý giảm nguồn cung 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2019. Riêng OPEC cắt giảm 800.000 thùng/ngày.
Thỏa thuận này được đưa ra sau vài tháng một hiệp ước bơm thêm dầu mỏ, một phần nới lỏng việc cắt giảm nguồn cung có hiệu lực đầu năm 2017.
Sản lượng của OPEC giảm trong tháng 12/2018 là tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2017, tháng đầu tiên của thỏa thuận giảm sản lượng trước đó, theo khảo sát của Reuters. Quốc gia có sản lượng giảm nhiều nhất là Saudi Arabia, đã thông báo giảm 400.000 thùng/ngày.
Sản lượng của Saudi Arabia trong tháng 11/2018 đã đạt kỷ lục 11 triệu thùng/ngày, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu sản xuất thêm dầu để hạn chế giá tăng và bù cho sự thiếu hụt từ Iran.
Vương quốc này cho biết trong tháng 1/2019 họ dự định tiếp tục cắt giảm nhiều hơn yêu cầu trong thỏa thuận OPEC+.
Nước sản lượng sụt giảm lớn thứ hai là UAE, tình nguyện giảm sản lượng như Saudi Arabia.
Quốc gia sản lượng giảm mạnh thứ 3 là Libya, do sự bất ổn bởi đóng cửa mỏ dầu lớn nhất quốc gia này.
Sản lượng từ Iran tiếp tục sụt giảm do các lệnh trừng phạt của Mỹ không khuyến khích các công ty mua dầu của họ. Tuy nhiên, theo các nguồn tin trong ngành, Iran duy trì xuất khẩu của họ bởi các lệnh miễn trừ cho 8 khách hàng cũng như do nỗ lực bán dầu thô của Iran.
Trong số các nước tăng sản lượng, tăng mạnh nhất là Iraq do khởi động xuất khẩu dầu thô Kirkuk và khôi phục xuất khẩu từ các kho cảng miền nam quốc gia này. Sản lượng tại Kuwait và Nigeria cũng tăng.
Trong năm 2019 OPEC có 14 thành viên sau khi Qatar rời khỏi tổ chức này.
Khảo sát của Reuters nhằm mục đích theo dõi nguồn cung ra thị trường và dựa trên số liệu vận chuyển cung cấp bởi các nguồn bên ngoài, số liệu của Refinitiv và thông tin các công ty dầu mỏ, OPEC và công ty tư vấn cung cấp.
Nguồn: VITIC/Reuters
 

Nguồn: Vinanet