Giá dầu thô Brent tham chiếu cho thị trường quốc tế kết thúc tuần qua (18/3) ở mức 107,93 USD/thùng, tăng hơn 9% chỉ trong 2 phiên cuối tuần. Mức giá đó thấp hơn rất nhiều so với đỉnh cao 139 USD chạm tới hôm 7/3, nhưng vẫn cao hơn khoảng 10 USD/thùng so với trước khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine. Giá đầu tuần này tiếp tục tăng mạnh thêm nữa.
Dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc dẫn đến những biện pháp phong tỏa chặt chẽ trên toàn quốc trong mấy tuần qua – yếu tố làm giảm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ở nước này – cũng không làm giảm nỗi lo thiếu cung nghiêm trọng.
Việc tính toán tác động từ các lệnh trừng phạt đối với nguồn cung cấp năng lượng của Nga - nhà xuất khẩu dầu thô và sản phẩm dầu mỏ lớn nhất thế giới – đã trở nên phức tạp bởi thị trường đan xen nhiều yếu tố khó đoán như cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, khả năng nới lỏng các hạn chế đối với các nhà xuất khẩu dầu mỏ Venezuela và Iran, chính sách phong tỏa chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc – nhà nhập khẩu xăng dầu lớn nhất thế giới.
Bill Farren-Price, Giám đốc công ty tư vấn năng lượng Enverus, cho biết: “Sự biến động giá dầu đi đôi với các cuộc xung đột liên quan đến các nhà sản xuất dầu lớn. Bên cạnh rủi ro nguồn cung còn có sự nghi ngờ về nhu cầu. Dấu hiệu quan trọng tiếp theo sẽ là cách tiếp cận của châu Âu đối với các biện pháp trừng phạt năng lượng Nga và các cuộc đàm phán hạt nhân Iran, điều này có thể khiến dầu Iran tràn ngập thi trường. Nếu điều đó xảy ra sẽ kheiens giá dầu lao dốc mạnh”.
Một số nhà phân tích tin rằng bất kỳ sự mất mát nào về sản lượng của Nga sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường vốn đang mong manh, trong đó nguồn cung dầu toàn cầu đã không theo kịp với nhu cầu tăng cao sau đại dịch.
Morgan Stanley hôm 17/3 đã nâng dự báo giá dầu Brent trong quý 3/2022 thêm 20 USD/thùng lên 120 USD/thùng. Goldman Sachs đã nâng dự báo lên 135 USD/thùng trong năm nay, cho biết giá dầu Brent có thể lên tới 175 USD.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng cho biết các kho dự trữ dầu thương mại ở các nước phát triển đã giảm nhanh chóng do nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu. Các nước phương Tây cũng đã giải phóng dầu từ nguồn dự trữ khẩn cấp nhằm hạ nhiệt nhưng giá dầu vẫn cao hơn gấp đôi so với mức trung bình dài hạn trong lịch sử.
Nguồn cung thắt chặt tiếp tục khiến thị trường lo lắng. IEA hôm 18/3 đã lên tiếng kêu gọi “các biện pháp khẩn cấp” nhằm giảm sử dụng dầu. IEA đưa ra lời kêu gọi này sau khi công bố báo cáo cho rằng sản lượng dầu thô của Nga có thể giảm tới 3 triệu thùng/ngày trong tháng 4, tương đương 3% tổng sản lượng của thế giới, và cảnh báo thế giới có thể đang ở trong "cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu mỏ lớn nhất trong nhiều thập kỷ".
Ngân hàng Mizuho mới đây cũng nói rằng có hai yếu tố đang đẩy giá dầu tăng. Đó là sự không chắc chắn kéo dài giữa Nga-Ukraine cũng như hy vọng rằng những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 ở Trung Quốc có thể ít nghiêm trọng hơn dự đoán, khi nước này đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế. Trung tâm quan trọng của Thâm Quyến đã mở cửa một phần vào thứ Sáu (18/3), với 5 quận được phép khởi động lại công việc và nối lại các phương tiện giao thông công cộng.
Trong khi đó, nhiều nhà phân tích khác cho biết mức tăng giá sẽ bị hạn chế cho đến khi các nhà giao dịch có thể định lượng được mức độ thiệt hại về nguồn cung từ Nga.
Florian Thaler, giám đốc điều hành của OilX, công ty theo dõi dòng chảy dầu toàn cầu, cho biết sản lượng dầu của Nga đã thực sự tăng trong tháng 3 này, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại”, và thêm rằng: “Doanh số bán các sản phẩm tinh chế bắt đầu giảm, nhưng xuất khẩu dầu thô vẫn tăng mạnh”.
Các nước EU và những nước khác bao gồm cả Trung Quốc tiếp tục mua dầu của Nga, bất chấp lệnh cấm của Mỹ. Ông Thaler cho biết Ấn Độ, quốc gia thường nhập khẩu khoảng 150.000 thùng dầu thô của Nga mỗi ngày, có thể tăng lên hơn 500.000 thùng/ngày trong tháng Tư.
Các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết giá dầu thô xuất khẩu của Nga hiện đang bán với giá thấp hơn nhiều so với Brent để thu hút người mua, “và lịch sử cho thấy rằng khi được chiết khấu đầy đủ, dầu thô có xu hướng tìm được thị trường”.
Sự tăng giá gây ra bởi một cú sốc nguồn cung đột ngột có thể kéo giảm nhu cầu dầu, từ đó sẽ khiến giá giảm. Chỉ riêng cuộc khủng hoảng Ukraine có thể “làm suy giảm đáng kể tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, IEA cho biết, và cắt giảm khoảng 1/3 mức dự báo về lượng dầu thô thế giới sẽ sử dụng vào năm 2022.
Chuyên gia Thaler của OilX đã cho biết nhập khẩu và nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đang có xu hướng thấp hơn nhiều so với năm 2021. Song ngược lại, tiêu thụ ở Mỹ, thị trường xăng dầu lớn nhất thế giới, vẫn ở gần mức cao lịch sử, trên 20 triệu thùng/ngày trong những tuần gần đây mặc dù giá xăng trong nước tăng kỷ lục.