Nguyên nhân giá giảm do các nhà đầu tư bán tháo hợp đồng với dự đoán nhu cầu nhiên liệu suy yếu trên toàn thế giới do số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh.
Tuy nhiên, giá dầu đã hồi phục trở lại nhờ hoạt động mua vào của các nhà đầu tư. Trong tháng 8, giá dầu Brent và dầu WTI giảm 8%, xăng RON 92 tại thị trường Singapore giảm 9%. Tính từ đầu năm đến nay giá xăng dầu vẫn tăng hơn 30%.
Những yếu tố tác động giảm giá dầu trong tháng 8 bao gồm:
Hầu hết các quốc gia tiêu thụ dầu chính hiện đang nằm trong làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ ba hoặc thứ tư kể từ khi bắt đầu đại dịch, hoặc đang chiến đấu để ngăn chặn các đợt bùng phát dịch trong cộng đồng. Số ca nhiễm Covid-19 tăng cao ở tất cả các khu vực tiêu thụ dầu mỏ chủ chốt, làm cho các kế hoạch nới lỏng giãn cách xã hội và khôi phục vận tải hàng không quốc tế bị hoãn lại, khiến giá dầu liên tiếp giảm trong những phiên vừa qua.
Giá giảm do các nhà đầu tư bán tháo hợp đồng tương lai với dự đoán nhu cầu nhiên liệu suy yếu trên toàn thế giới do số ca nhiễm Covid-19 gia tăng.
Việc các nhà đầu tư lo lắng lảng tránh những tài sản rủi ro cao, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có động thái xem xét giảm kích thích tài chính trong năm nay đẩy USD lên mức cao nhất hơn 9 tháng càng gây áp lực lên thị trường dầu mỏ. Giá dầu thường di chuyển ngược chiều so với USD, khi USD tăng làm cho dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua ở nước ngoài.
Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã áp đặt các hạn chế mới với chính sách “không khoan nhượng" do Covid-19 đang ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, các phương pháp khử trùng nghiêm ngặt hơn tại các cảng biển của nước này đã gây ra tình trạng tắc nghẽn.