Dầu thô ngọt nhẹ WTI kỳ hạn giao dịch tại 49,21 USD/thùng, tăng 24 cent hay 0,5% so với đóng cửa phiên trước. Tuy nhiên dầu WTI vẫn có một tuần giảm giá nhẹ và giá đã giảm hơn 8% kể từ mức đỉnh trong tháng 4.
Dầu Brent kỳ hạn ở mức 51,59 USD/thùng, tăng 15 cent hay 0,3%. Dầu Brent thấp hơn gần 9% so với mức đỉnh tháng 4 và cũng theo xu hướng giảm tuần thứ hai liên tiếp.
Các thương nhân cho biết giá tăng nhẹ ngày hôm nay do các tuyên bố của OPEC rằng họ quan tâm tìm một thỏa thuận sẽ đảm bảo giảm nguồn cung nhiên liệu toàn cầu dư thừa đã gây áp lực cho thị trường trong hơn hai năm qua.
Một thỏa thuận như vậy nghĩa là gia hạn cam kết cắt giảm sản lượng gần 1,8 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm nay của OPEC và các nhà sản xuất khác gồm cả Nga.
Bất chấp điều này, ngân hàng ANZ cho biết rằng “các thương nhân vẫn lo lắng về sự gia tăng nguồn cung”. Điều này phần lớn do dự tăng sản lượng dầu thô của Mỹ, tăng 10% kể từ giữa năm 2016 lên 9,27 triệu thùng/ngày, và các nhà phân tích dự kiến sản lượng của Mỹ tiếp tục tăng trong năm nay.
Công ty tư vấn Rystad Energy dự kiến sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng 100.000 thùng/ngày mỗi tháng từ nay đến cuối năm và trong năm 2018, nếu giá dầu giữ trong phạm vi 50 - 55 USD/thùng, cao hơn ước tính tăng hàng tháng khoảng 29.000 thùng/ngày trong năm 2017 và 57.000 thùng/ngày vào năm 2018 của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA.
Jarand Rystad đã trả lời Reuters hồi đầu tuần này “chúng tôi thấy một nguy cơ giá dầu yếu hơn đến cuối năm nay... do dầu đá phiến phân phối quá nhiều và OPEC có thể chống lại”.
Bên ngoài nước Mỹ, sản lượng tăng tại Libya, một thành viên OPEC được miễn trừ khỏi thỏa thuận cắt giảm, đã bổ sung vào nguồn cung dư thừa.
Nguồn: VITIC/Reuters
 

Nguồn: Vinanet