Lãi suất huy động của các ngân hàng đang tăng đồng loạt làm dấy lên những lo ngại về tác động tới nền kinh tế. Xung quanh câu chuyện này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính ngân hàng – TS. Nguyễn Trí Hiếu.
PV: Thưa ông, lãi suất huy động các ngân hàng đang tăng ở không chỉ kỳ hạn dài mà cả kỳ hạn ngắn, ở cả ngân hàng lớn lẫn ngân hàng nhỏ. Vậy đâu là nguyên nhân?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Lãi suất tăng nhẹ ở các ngân hàng, theo tôi là do một số lý do cơ bản sau.
Thứ nhất, đó là nền kinh tế đang phục hồi, các ngân hàng đều cần vốn để phục vụ tăng trưởng tín dụng. Mới chỉ 6 tháng đầu năm, tín dụng đã tăng hơn 6% - một con số rất khả quan và các ngân hàng lúc này đều cần vốn để cấp tín dụng cho các tháng tiếp theo.
Thứ hai, nền kinh tế phục hồi kéo theo đó là các thị trường phát triển nhanh, chẳng hạn như thị trường bất động sản. Cùng với sự phục hồi ấy là sự dịch chuyển của dòng tiền từ ngân hàng sang lĩnh vực khác đó. Các ngân hàng vì thế phải nâng lãi suất để giữ chân khách gửi tiền của mình.
Thứ ba, có sự dịch chuyển phần nào từ tiền đồng sang USD, vì nhiều người thấy rằng giá USD có thể tăng nên đầu cơ để ăn chênh lệch. Sự tăng giá của USD ở đây tôi muốn nói là ngoài thị trường tự do, đầu cơ theo thị trường tự do, còn USD chính thức thì tôi nghĩ là không tăng vì NHNN kiên định mục tiêu mà họ đã đề ra.
Thế còn lạm phát thì sao thưa ông, có tác động đến lãi suất hay không khi mục tiêu lạm phát năm nay lên tới 5%?
Lạm phát 6 tháng đầu năm mới chỉ tăng 0,55% so với cuối năm 2014. Lạm phát chỉ làm tăng lãi suất khi bản thân nó tăng lên và ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Nhưng hiện nay chúng ta đang kiểm soát lạm phát tốt và không có lý do gì để làm tăng lãi suất, thậm chí với diễn biến này chính sách tiền tệ có thể được mở hơn để thúc đẩy tăng trưởng và tín dụng.
Với diễn biến hiện tại, có hay không một cuộc đua lãi suất sẽ xuất hiện như từng xảy ra những năm trước?
Tôi cho rằng đó là điều không thể tránh khỏi. Nếu cuộc chạy đua quá đà sẽ kéo mặt bằng lãi suất lên và có thể các ngân hàng sẽ lách trần huy động. Và nếu điều đó xảy ra thì thực sự đáng lo ngại. Tuy nhiên tình hình hiện nay cho thấy các ngân hàng chưa cần phải chạy đua vượt trần.
Song có điều đáng chú ý, trong cuộc chạy đua lãi suất lần này, các ngân hàng lớn và có uy tín sẽ giành lợi thế trong khi ngân hàng nhỏ sẽ mệt mỏi hơn khi chạy theo. Đặc biệt là khi tâm lý của người gửi tiền cũng đã ít nhiều bị dao động sau sự kiện các xảy ra ở VNCB và OceanBank vừa qua.
Lãi suất huy động tăng liệu có ảnh hưởng đến lãi vay hay không thưa ông?
Chắc chắn rồi. Các ngân hàng phải giữ biên độ lợi nhuận (lãi cận biên - NIM (pv) ) tối thiểu là 3% để sinh lời. Nhưng hiện nay khi mà NIM của họ chỉ đạt 2,5 – 2,6%, tức là dưới mức tối thiểu, trong trường hợp này nếu chi phí vốn tăng lên thì buộc họ phải tăng lãi suất cho vay.
Và việc ảnh hưởng đến lãi suất sẽ bao gồm cả kỳ hạn ngắn lẫn trung và dài hạn. Bởi lẽ hiện nhiều ngân hàng tài trợ các gói tín dụng bằng với lãi suất tiền gửi ngắn hạn nên lãi suất cho vay sẽ điều chỉnh theo lãi huy động. Bên cạnh đó, Thông tư 36 cho phép các ngân hàng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn lên đến tỷ lệ 60%, nên khi chi phí huy động ngắn hạn và và trung hạn tăng, các ngân hàng dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng sẽ phải tăng lãi suất theo.
Còn kết quả kinh doanh của ngân hàng thì sao thưa ông, liệu có bị ảnh hưởng từ việc tăng lãi suất?
Nó sẽ ảnh hưởng khi chi phí vốn tăng lên. Thông thường lãi suất tăng thì ngân hàng có lợi, nhưng hiện tại thì nó tăng cho cả hai đầu. Chênh lệch lợi nhuận vốn đã thấp nên sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận
Ngoài ra, nợ xấu cũng có xu hướng tăng lên, các ngân hàng sẽ phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, vì thế lợi nhuận sẽ bị ăn mòn.
Tóm lại, kết quả kinh doanh của các ngân hàng năm nay chắc chắn bị tác động bởi việc tăng lãi suất và nợ xấu.
Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!