Sacombank sẽ tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của Southern Bank và cam kết duy trì quyền, nghĩa vụ của khách hàng, đối tác, cổ đông của cả hai Ngân hàng.

Sau sáp nhập, Sacombank thuộc Top 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản đạt 297.184 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu đạt gần 24.506 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 18.853 tỷ đồng. Mạng lưới giao dịch của Sacombank là 563 điểm giao dịch trên toàn quốc và 2 nước Lào, Campuchia và tổng số cán bộ nhân viên là 15.510 người.

Theo phương án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1 cổ phiếu Southern Bank đổi lấy 0,75 cổ phiếu Sacombank.

Với phương án giữ nguyên vốn điều lệ Southern Bank (4.000 tỷ đồng), Sacombank sẽ phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 8,7% (cổ đồng sở hữu 1000 cổ phiếu được nhận 87 cổ phiếu mới). Cùng với đó, Sacombank sẽ chia cổ phiếu quỹ, thưởng cổ phiếu, chia cổ tức năm 2013 và 2014 với tổng tỷ lệ 30%. Như vậy, cổ đông Sacombank sẽ nhận thêm tổng cộng 38,7% cổ phiếu sau sáp nhập.

Sau sáp nhập, vốn điều lệ của Sacombank tăng từ 12.425 tỷ đồng lên mức 18.853 tỷ đồng.

Như vậy, thương vụ sáp nhập ngân hàng dài hơi cuối cùng cũng đã đi đến hồi kết. Thương vụ sáp nhập Southern Bank vào Sacombank chính thức được khởi động từ tháng 3/2014 khi 2 ngân hàng lần đầu tiên trình xin ý kiến cổ đông và đang đang hoàn tất các thủ tục pháp lý cuối cùng. Tuy nhiên, thương vụ dài hơi nhất trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam đã được khởi động từ trước đó khá lâu, khi gia đình ông Trầm Bê bắt đầu mua thâu tóm cổ phần Sacombank.

Thương vụ được cho sẽ giải quyết được tỷ lệ sở hữu chéo và vượt quy đình của Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Sacombank Trầm Bê, đồng thời, giúp Sacombank lọt top 5 ngân hàng có vốn lớn nhất hệ thống. Tuy vậy, đằng sau thương vụ này vẫn để lại nhiều câu hỏi như việc Ngân hàng Nhà nước sẽ sở hữu bao nhiêu cổ phần, cử nhân sự vào vị trí lãnh đạo nào hay tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập.


Thái Hà