Xưa các cụ gọi tháng Chạp là "tháng củ mật", bởi tháng ấy nhiều trộm đạo. "Củ" là củ soát, kiểm soát, còn "mật" là cẩn mật, nghĩa là kiểm soát cẩn mật. Đến nay, tháng Chạp vẫn được coi là "tháng củ mật". Đây là tháng làm ăn không chỉ của người lương thiện mà của cả người không lương thiện. Do đó, đạo chích tăng cường hoạt động để có tiền ăn chơi. Nhưng khác xưa là đạo chích của thời đại Internet có trình độ công nghệ thông tin cao nên chúng móc tiền từ những thẻ ATM vốn dĩ là nơi cất tiền an toàn.

Tội phạm từ thực đến "ảo"

Mới đây, xem clip cô gái trộm máy ảnh trong siêu thị điện máy ở quận 10 TP.HCM, tôi thấy hành vi nữ đạo chích này thật "đáng nể" - dùng dao lam cưa đứt dây xích cuỗm trót lọt chiếc máy ảnh Sony trị giá gần 14 triệu đồng. Toàn bộ hành vi của nữ đạo chích đã bị camera ghi hình.

Tại hiện trường, còn lại chiếc dao lam và một số vết máu. Nhưng đáng nể hơn hơn là vụ trộm ở rạp chiếu phim Megastar. Chị P.T.H. ở đường Trường Chinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội đến rạp chiếu phim Megastar xếp hàng mua vé. Thời gian đứng mua vé không hề lâu, chị H. chỉ lơ là với cái túi trong vài giây, mà chiếc túi đã bị mở khóa và chiếc điện thoại Vertu trị giá 150 triệu đồng đã không cánh mà bay. Còn rất nhiều tin tức khác về tội phạm trong đời sống hằng ngày ở tháng củ mật được các phương tiện truyền thông đưa lên cũng đều xảy ra "nhanh như trong phim".

Gọi là "thế giới ảo", nhưng đạo chích trong thế giới này lại rất thực. Lực lượng công an Việt Nam đã bắt giữ rất nhiều vụ việc người nước ngoài làm giả thẻ tín dụng rồi đến Việt Nam rút tiền. Những tên tội phạm này thường dùng chiêu lấy thông tin ăn cắp từ tài khoản của người nước ngoài và chọn Việt Nam làm nơi thực hiện rút tiền. Công nghệ rút tiền bằng thẻ giả cũng bị nhiều tên tội phạm Việt Nam sử dụng. Tháng 6/2015, Công an đã bắt giữ Trần Hoàng Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Trần Thành Hải sử dụng thẻ giả để rút tiền. Qua kiểm tra, Công an phát hiện 2 người này có tới 16 thẻ ATM giả và 10 chứng minh thư mang tên người khác.

Rất nhiều vụ việc liên quan đến thẻ ATM giả đã được phát hiện. Anh Nguyễn Tấn Thạnh, chủ một tài khoản mở tại Ngân hàng Đông Á, chi nhánh quận Bình Tân, TP.HCM đã bất ngờ bị rút mất 20 triệu đồng trong tài khoản ATM. Ngày 30/10, Ngân hàng Đông Á xác nhận, tài khoản của anh Thạnh bị rút tiền liên tục trong vòng 2 phút tại một trụ ATM của Ngân hàng Liên Việt PostBank Quận 3. Anh Thạnh yêu cầu Ngân hàng bồi thường số tiền trên.

Ngày 23/11/2015, Ngân hàng Đông Á đã trả lời bằng văn bản nêu rõ: "Vào thời điểm thực hiện 10 giao dịch đó, camera có ghi dữ liệu, nhưng người thực hiện đã cố tình che camera nên không nhìn được rõ mặt người thực hiện giao dịch". Ngân hàng Đông Á đã tạm ứng để bồi hoàn số tiền 20 triệu đồng cho anh Thạnh với điều kiện nếu tiền không được rút từ thẻ ATM của anh thì ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm, nếu tiền được rút từ thẻ ATM của anh thì anh phải chịu trách nhiệm và trả các chi phí điều tra. Sự việc đã được chuyển qua cơ quan công an và đang chờ kết luận chính thức.

Còn ông Cù Đình Thắng, ngụ tại Quận 4, TP.HCM, chủ thẻ ATM Vietcombank cho biết, ngày 26/11/2015, điện thoại ông có 7 tin nhắn thông báo trừ tài khoản từ Vietcombank, nghĩ là tin nhắn rác nên ông không kiểm tra, đến tối, khi mở máy thì ông té ngửa-đó là những tin nhắn thông báo tài khoản ATM của ông bị rút tiền 7 lần với tổng cộng 14 triệu đồng. Ngân hàng Vietcombank cho biết, hiện nay hai bên đang phối hợp với cơ quan chức năng để xác minh làm rõ vụ việc. Nếu xác định mất tiền do thẻ giả, ông Thắng sẽ nhận được số tiền bồi thường từ quỹ rủi ro của Vietcombank.

Điểm chung của 2 vụ mất tiền trên là các giao dịch rút tiền trong tài khoản diễn ra liên tục trong thời gian ngắn khiến chủ thẻ chưa kịp gọi điện đến ngân hàng thông báo khóa thẻ thì số tiền đã bị rút hết. Nhiều trường hợp camera tại trụ ATM có ghi lại được hình ảnh đối tượng rút tiền, nhưng các đối tượng đã dùng các thủ đoạn che chắn, nên việc nhận diện vô cùng khó khăn, công tác điều tra ách tắc. Đó chỉ là 2 vụ việc mới nhất, còn rất nhiều vụ người dùng thẻ ATM bỗng nhiên nhận được tin nhắn tài khoản bị rút tiền trong khi không hề thực hiện giao dịch rút tiền.Tiền để trong thẻ ATM tưởng là an toàn nhất, nhưng nay nhiều người sử dụng thẻ ATM có vẻ thất vọng về độ an toàn.

Niềm tin vào hệ thống bảo mật ATM có bị lung lay?

Thẻ ATM ở nước ta thường được hiểu là thẻ ghi nợ nội địa, có chức năng rút tiền dựa trên cơ sở ghi nợ vào tài khoản. Trong thực tế thẻ ATM còn là tên gọi khái quát, chung nhất cho các loại thẻ sử dụng được trên máy giao dịch tự động (ATM). Để phục vụ nhu cầu khác nhau của khách hàng, các ngân hàng đều cho phát hành nhiều loại thẻ, nào là Thẻ ghi nợ nội dịa- Debit Card -chính là thẻ ATM; Thẻ ghi nợ quốc tế-Visa Debit và Master Debit; Thẻ trả trước-Prepaid Card; Thẻ tín dụng-Credit Card...

Để sở hữu một, hoặc nhiều loại thẻ, người tiêu dùng phải mở tài khoản tại ngân hàng và thẻ này liên kết với tài khoản của người đó. Hiện nay trên thế giới thẻ ATM không chỉ để giao dịch trên các máy ATM thuần tuý, nó còn được giao dịch tại rất nhiều các thiết bị POS mà ngân hàng phát hành triển khai tại các điểm chấp nhận thanh toán thông qua hợp đồng chấp nhận thẻ đó. Các điểm chấp nhận thanh toán này có thể là khách sạn, nhà hàng, siêu thị, cửa hàng xăng dầu, sân bay v.v.

Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước, tổng số lượng thẻ đã phát hành ở nước ta đạt 91,23 triệu thẻ. Có những người sở hữu 4, 5 chiếc thẻ trong ví. Thanh toán điện tử là xu hướng tiêu dùng tất yếu.Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã có nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Quá trình triển khai đã đạt được những thành tựu đáng kể, tạo kết nối thông suốt trong toàn hệ thống, với mạng lưới rộng khắp toàn quốc, cung cấp nhiều hình thức thanh toán điện tử hiện đại. Số lượng POS (Point of Sale) thanh toán được lắp đặt đã tăng nhanh, có thể đạt 250.000 POS vào cuối năm. Năm 2015, mua bán trực tuyến ở nước ta đạt doanh số hơn 3 tỷ USD. Tuy nhiên, một trong những yêu cầu đặt ra: Cùng với việc tạo sự kết nối, tích hợp tốt hơn giữa các website thương mại điện tử với các dịch vụ thanh toán trực tuyến để khách mua hàng, thanh toán trực tuyến dễ dàng, thuận lợi thì phải bảo đảm sự an toàn cho người tiêu dùng. Bởi sự kết nối càng rộng, nguy cơ nhiễm mã độc càng cao.

Các hacker có thể thu thập thông tin thông qua việc sử dụng các phần mềm gián điệp cài đặt sẵn trên máy tính hoặc điện thoại thông minh (nhưng người dùng không biết) để thu nhận các thao tác trên bàn phím hoặc các thông tin dữ liệu. Các hacker cũng tạo các website bán hàng giả mạo để lừa người dùng giao dịch, sau đó ăn cắp các dữ liệu này, hoặc dùng các thủ thuật như gửi email, nhắn tin, gọi điện mạo danh để dụ dỗ người dùng truy cập vào các đường dẫn được thiết kế sẵn rồi tự nguyện khai báo thông tin cho chúng.

Về phía Ngân hàng, theo các chuyên gia an ninh, từ khâu phát hành thẻ đến khâu sử dụng thẻ ở Việt Nam hiện nay, có rất nhiều khả năng sơ hở mà kẻ gian có thể lợi dụng rút tiền. Rủi ro có thể xuất phát từ hai phía, từ những trục trặc của hệ thống ngân hàng đến sự bất cẩn của người dùng.

Nếu hệ thống bảo mật ngân hàng không tốt thì tin tặc có thể xâm nhập để thu thập thông tin các tài khoản. Về phía khách hàng, cũng có nhiều rủi ro cả khi rút tiền trực tiếp ở các máy ATM lẫn khi thanh toán trực tuyến qua mạng. Khi thực hiện các giao dịch trực tuyến qua mạng, khách hàng có thể gặp rủi ro khi máy vi tính có cài mã độc hoặc bị tin tặc đánh cắp thông tin.

Trong trường hợp rút tiền trực tiếp, khách hàng cũng có thể gặp một số rủi ro như bị kẻ gian lắp đặt thiết bị lấy thông tin hoặc camera ghi nhận thông tin. Công nghệ thẻ từ đang sử dụng ở Việt Nam là công nghệ không quá phức tạp, nên khả năng bị làm giả là rất dễ dàng từ các thiết bị mua được ngoài thị trường. Bọn tội phạm chỉ cần có thông tin dữ liệu thẻ và mã PIN mà chúng lấy cắp qua các thủ đoạn trên là làm được thẻ giả. Dữ liệu thẻ đó được in lên thẻ trắng bằng các máy in thẻ bán trên thị trường là tạo thành các thẻ giả để rút được tiền.

Theo khảo sát của MasterCard công bố tháng 10/2015, tại Việt Nam những mối lo ngại hàng đầu khi giao dịch thanh toán điện tử là gian lận thẻ ATM (31%), trộm danh tính qua mạng (29%) và hàng giả (28%).

Tôi mang câu chuyện thẻ ATM trao đổi với anh Vũ Ân, ở Hà Nội, một lái xe cho Uber, anh nói: "Hãng có hai hình thức thanh toán tiền là trừ vào tài khoản của khách hàng và trả tiền mặt. Nhưng dạo này nghe thấy những vụ tài khoản bị "hách" nên khách thường trả tiền mặt". Tôi hỏi, "anh có tin vào hệ thống bảo mật của ngân hàng không"? "Em ít hiểu về "mạng", nhưng nghĩ là ở đâu chẳng có "đạo chích", nhưng cả thế giới người ta dùng Thẻ ATM, có xảy ra mất tiền trong tài khoản thì cũng là số ít. Ngân hàng làm ra thẻ, người ta phải bảo vệ người dùng chứ".

Còn anh Nguyễn Hữu Việt, công tác Sở Du lịch Hà Nội, người sở hữu tới 4 loại thẻ ATM, nói: "Có loại thẻ rất đáng tin cậy chẳng hạn như Thẻ tín dụng của VietinBank, khi thanh toán đòi hỏi mật khẩu. Còn một vài loại như Visa khi đi siêu thị mua hàng, cứ quẹt một nhát là xong thì không đáng tin. Càng thấy lo hơn khi đọc những thông tin như, Việt Nam đứng đầu thế giới về nguy cơ nhiễm mã độc". "Anh là người sử dụng thẻ ATM nhiều măm mà chưa xảy ra sự cố gì, thì "quẳng" nỗi lo đi".

Tôi nói với anh như vậy và hỏi kinh nghiệm làm sao tránh được sự rủi ro?. Anh chia sẻ: "Các Ngân hàng đã có những quy định để bảo mật, mình cứ phải tuân thủ.Tôi cứ phải đảm bảo không ai nhìn thấy số PIN khi thực hiện giao dịch bằng cách che bàn phím, bây giờ nhiều trụ ATM có miếng che bàn phím rồi và nên thỉnh thoảng đổi số PIN. Tháng củ mật việc giao dịch điện tử tăng cao thì càng phải cẩn thận hơn".

Tôi cũng trao đổi với một vài người trong gia đình, mọi người đều nói: Thanh toán bằng tiền mặt và thẻ tín dụng đều dễ dàng và an toàn ngang nhau. Để đảm bảo an toàn hơn, hiện nay các ngân hàng đang chuyển dần từ dùng thẻ từ sang thẻ chíp. Thẻ chíp là loại thẻ theo công nghệ EMV- chuẩn thẻ thanh toán thông minh do 3 liên minh thẻ lớn nhất thế giới là Europay, Master Card và Visa đưa ra, có tính bảo mật cao hơn, nên kẻ gian khó lấy cắp thông tin tài khoản.

Thời gian qua, các ngân hàng đã nỗ lực để phát triển khách hàng mới và tăng nhanh số lượng tài khoản/thẻ ngân hàng. Tuy nhiên, số người chưa mở hay sử dụng tài khoản ngân hàng vẫn còn rất nhiều. Đó là tiềm năng lớn cho các ngân hàng trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ - phục vụ và đáp ứng các nhu cầu tài chính của cá nhân. Nếu những ai có ý định mở tài khoản và sử dụng thẻ ATM trong "tháng củ mật" hoặc bất cứ thời gian nào, có lẽ chẳng phải băn khoăn về sự an toàn của xu hướng tiêu dùng không dùng tiền mặt này.


Theo Đ. Ngọc

VnReview


Nguồn: VnReview