Khách nhỏ khó vay vốn rẻ

Chị Hòa, làm việc tại một cơ quan nhà nước nhiều lần tìm hiểu để vay tiêu dùng sửa nhà tháng 7 vừa qua cho hay, chị đã “tá hoả” khi ngỏ ý muốn vay vốn  tại ngân hàng cổ phần có trụ sở phía Nam nơi cơ quan chồng chị trả lương qua đó. “Tôi nói muốn vay 200 triệu đồng trong ngắn hạn, họ đòi tài sản thế chấp, rồi tính cho tôi các loại phí, rồi cho biết lãi suất vay 8% năm, trước đây giờ đã lên tới hơn 10%/năm. Thấy cao, tôi đang đi tìm vay ngân hàng khác”- chị Hoà nói.

Trong câu chuyện mới đây với PV Tiền Phong, tổng giám đốc một công ty thép cũng cho  rằng, ngân hàng luôn nói ưu ái nhưng doanh nghiệp chưa được hỗ trợ nhiều. “Lãi suất cho vay 7-8%/ năm chỉ là danh nghĩa hoặc là chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Hầu hết doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất 9%/năm ngắn hạn và phải chịu lãi suất 11% thậm chí 12%/năm dài hạn. “Với tỷ suất sinh lời hiện nay mà gánh mức lãi như vậy, chúng tôi rất khó để cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài”.

Tuy nhiên, tại buổi lễ ký kết rót vốn 5.500 tỷ đồng cho dự án xây dựng Cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải của 4 “ông lớn” ngân hàng thương mại (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) ngày 31/7, giám đốc chi nhánh của một trong bốn ngân hàng trên bất ngờ chia sẻ: “Chi nhánh tôi được “phân bổ” cho vay mấy trăm tỷ đồng giai đoạn 1. Lãi suất vay chỉ tương đương lãi suất huy động 12 tháng, tức là vào 6%/năm” -  Hỏi sao lãi suất thấp vậy mà các anh cũng cho vay? Vị này không giấu giếm nói: “Huy động rất tốt nhưng cho vay rất khó, cho vay dự án này vừa theo chỉ định, vừa không để vốn chết”.

Tháng 8 này, khảo sát chung, biểu lãi suất của các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, Agribank, Eximbank, ACB, Sacombank, hiện mặt bằng lãi suất cho vay trung dài hạn 10,5-11%/năm, vay ngắn hạn dao động 8-8,5%/năm.

Trưởng một phòng khách hàng cá nhân của Vietcombank cho biết, với khách hàng vay ngắn hạn cho tiêu dùng như mua nhà, sắm xe mới hoặc kinh doanh thì lãi suất khoảng 7,5%-8,5%/năm; với khách hàng VIP, kỳ vay trung dài hạn sẽ là 7,5%/năm đối với năm đầu tiên.

Sau đó, là lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng cộng với chênh lệch 3,5% “tức là khảng 10,5%/năm”, vị này nói. Còn một cán bộ phụ trách khách hàng doanh nghiệp của một chi nhánh tại Agribank thì lưu ý: “Tại các thành phố lớn, chúng tôi không khuyến khích cho vay bất động sản do vẫn phải xử lý một số món nợ xấu do lĩnh vực này mang lại” - ông này nói.

Sao không hạ lãi suất cứu doanh nghiệp?

Theo NHNN, tuần từ 14 đến 24/7, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Nói với PV Tiền Phong, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN), ông Bùi Quốc Dũng cho rằng, hiện thanh khoản hệ thống rất dồi dào, ngay cả chuyện “nới room” tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng cũng được tính toán trên cơ sở ngân hàng huy động được bao nhiêu, khả năng hấp thụ vốn bao nhiêu rồi mới phân bổ. Chưa kể từ giờ đến cuối năm, hệ thống còn “đón” 200 ngàn tỷ đồng đáo hạn từ nguồn trái phiếu Chính phủ.

Tháng 1, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình gửi thông điệp yêu cầu các tổ chức tín dụng tính toán sớm giảm lãi suất vay trung và dài hạn từ 1 đến 1,5%. Liền ngay đó, trong cuộc làm việc với Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam sau đó, một lần nữa, Thống đốc Bình hứa tạo điều kiện cho doanh nghiệp trẻ vay vốn, đồng thời nhấn mạnh hạ lãi suất là việc ngân hàng sẽ ưu tiên làm sớm. Tuy nhiên, đã đi gần hết quý 3 của năm, lãi suất cho vay nhất là trung và dài hạn vẫn “giậm chân” đứng đó.

Tại kiến nghị về lương mới đây, với Tổng liên đoàn Lao động, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã công bố một thông tin khá buồn: Năm 2015, vẫn có tới 70% số doanh nghiệp làm ăn không có lãi. Với thực tế này, việc hạ lãi suất cho doanh nghiệp bớt khó nếu thực thi được chắc là tốt lắm!

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, từ đầu năm đến nay, riêng mặt hàng xăng dầu tăng tổng cộng 4.000 đồng, điện đắt thêm 7,5%, tỷ giá nới thêm 2% nhưng đầu ra sản phẩm không tăng khiến nhiều doanh nghiệp mong lãi suất cho vay có thể giảm xuống để phần nào bớt khó khăn.  CPI tháng 7 ước tăng 0,68% so với cuối năm 2014 và lạm phát cơ bản là 2,42%. Năm 2015, lạm phát cơ bản khoảng 3%. Trước thực tế này, TS Trần Du Lịch từng nhìn nhận: “Nếu lạm phát cả năm chỉ tầm 3% mà lãi suất trung dài hạn tới 11% là quá cao”.


Theo Khánh Huyền
Tiền phong

Nguồn: Tiền Phong