Dưới đây là danh sách 16 công ty giao dịch hàng hóa khổng lồ, tuy tên tuổi ít được chú ý, nhưng có ảnh hưởng rất lớn tới giá cả hàng hóa thế giới.

Tính chung, 16 công ty này có doanh thu hàng năm lên tới 1,1 nghìn tỷ USD, trong đó riêng 5 công ty lớn nhất có tổng doanh thu 629 tỷ USD, ngang ngửa với 5 tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới.

Với quy mô này, các công ty trong danh sách có khả năng kiếm những khoản lợi nhuận khổng lồ, tạo ra những gián đoạn trên thị trường mà các chính phủ khó có thể kiểm soát. Các công ty này cũng nuôi những kế hoạch phát triển đầy tham vọng.

16. Hin Leong (Singapore)

Doanh thu: 8 tỷ USD (2010)

Thị trường giao dịch: Dầu lửa, tàu chở dầu

Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Lim Oon Kuin của Hin Leong khởi nghiệp bằng nghề vận chuyển dầu diesel bằng xe đạp. Hin Leong đang lên kế hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu thứ tư của Singapore, đưa công ty này tiến sát hơn tới một tổ hợp hoàn chỉnh trong lĩnh vực dầu lửa, vì hiện công ty đã sở hữu những chiếc tàu chở dầu.

15. Olam (Singapore)

Doanh thu: 11 tỷ USD (2009/2010)

Thị trường giao dịch: Cà phê, ca cao, gạo, đường

Ban đầu, Olam là một công ty giao dịch hạt điều Nigeria. Hiện nay, công ty này đã trở thành công ty giao dịch gạo lớn thứ nhì thế giới, sở hữu những nông trường và nhà máy xay xát khắp thế giới, với hơn 13.000 công nhân viên.

14. Mabanaft (Hà Lan)

Doanh thu: 15 tỷ USD (theo ước tính của Reuters)

Thị trường giao dịch: Dầu lửa

Với 1.700 nhân viên, Mabanaft bán hơn 20 triệu tấn dầu trong năm 2010. Công ty này hiện đang mở rộng hoạt động sang các mặt hàng như naptha, xăng hóa lỏng và gỗ ván.

13. Arcadia (Anh quốc)

Doanh thu: 29 tỷ USD (theo ước tính của Reuters)

Thị trường giao dịch: Dầu lửa

Mỗi ngày, Arcadia giao dịch hơn 800.000 thùng dầu mỗi ngày và các hợp đồng phái sinh với hơn 10 triệu thùng dầu. Công ty này có quan hệ mật thiết với các công ty dầu lửa quốc doanh của Nigerian và Yemeni, nơi công ty bị đồn là “bỏ qua” các quy định pháp luật để mua dầu lửa dưới giá thị trường.

12. Wilmar International (Singapore)

Doanh thu: 30 tỷ USD (2010)

Thị trường giao dịch: Ngũ cốc, đường, các loại dầu

Wilmar là nhà chế biến đậu nành lớn nhất tại Trung Quốc, kiểm soát thị phần 20% trên thị trường các sản phẩm đậu nành ở đây. Công ty sở hữu nhiều đồn điền, nhà máy và cơ sở phân phối sản phẩm đậu nành khắp Trung Quốc.

11. Bunge (Mỹ)

Doanh thu: 46 tỷ USD (2010)

Thị trường giao dịch: Đường, ngũ cốc, thức ăn chăn nuôi

Bunge là công ty chế biến các loại hạt chứa dầu lớn nhất thế giới, đồng thời là một trong những nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi lớn nhất ở Trung Quốc. Hiện Bunge đang phát triển mạnh ở thị trường Nam Mỹ.

10. Louis Dreyfus (Pháp)

Doanh thu: 46 tỷ USD (2010)

Thị trường giao dịch: Bông, gạo, nước cam

Công ty đã 160 năm tuổi này là nhà giao dịch bông vải và gạo lớn nhất thế giới, nhưng hiện đang gặp nhiều khó khăn. Louis Dreyfus đang cần thêm vốn mới và có thể phải trở thành một doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán vào năm 2012.

9. Noble Group (Hồng Kông)

Doanh thu: 57 tỷ USD (2010)

Thị trường giao dịch: Đường, than, dầu lửa

Nhà sáng lập Richard Elman bỏ học ngay từ khi còn học ở trường phổ thông và bắt đầu nghề kinh doanh hàng hóa ở tuổi 15 bằng cách buôn sắt vụn. Hiện công ty Noble Group của ông có tới hơn 11.000 nhân viên và có mối quan hệ mật thiết với các chính trị gia Trung Quốc, nơi công ty này đang phát triển mạnh.

8. Mercuria (Thụy Sỹ)

Doanh thu: 75 tỷ USD (2011)

Thị trường giao dịch: Năng lượng

Chỉ có 890 nhân viên nhưng Mercuria giao dịch tới 120 triệu tấn hàng hóa năng lượng mỗi năm. Công ty này sở hữu nhiều mỏ than và dầu lửa khắp châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

7. Trafigura (Thụy Sỹ)

Doanh thu: 79 tỷ USD (2010)

Thị trường giao dịch: Kim loại, năng lượng

Trafigura xếp thứ ba về giao dịch dầu lửa và thứ nhì về giao dịch kim loại công nghiệp. Càng ấn tượng hơn khi công ty này chưa đầy 20 năm tuổi. Đã có lần Trafigura phải nộp phạt 200 triệu USD vì đổ chất thải dọc Bờ biển Ngà, bị cho là khiến 16 người thiệt mạng.

6. Gunvor (Thụy Sỹ)

Doanh thu: 80 tỷ USD (2011)

Thị trường giao dịch: Năng lượng, khí thải

Năm 2004, Gunvor mới có doanh thu 5 tỷ USD, nhưng đến năm nay, doanh thu của công ty này đã được dự báo lên tới 80 tỷ USD. Gunvor chiếm 20% lượng dầu lửa xuất khẩu của Nga và đang mở rộng sang các lĩnh vực mới như giao dịch than và khí đốt tự nhiên. Người đồng sáng lập Tornbjorn Tornqvist được cho là đã góp phần vào thành công của của công ty nhờ có những mối quan hệ tốt.

5. ADM (Mỹ)

Doanh thu: 81 tỷ USD (2010)

Thị trường giao dịch: Ngô, ca cao

ADM sở hữu nhiều xà lan, xe tải và đường ray, thậm chí cả những nhà máy chế biến hàng hóa. Bộ phim hành động chiếu rạp mang tên The Informant! (tựa Việt: Người chỉ điểm) được xây dựng dựa trên một vụ bê bối giá cả mặt hàng lysine của ADM hồi năm 2003 mang đến cho công ty này mức phạt 100 triệu USD.

4. Koch Industries (Mỹ)

Doanh thu: 100 tỷ USD (2010)

Thị trường giao dịch: Dầu lửa

Thuộc sở hữu của hai anh em nhà Koch là Charles và David, Koch Industries nắm 3 nhà máy lọc dầu có mức lợi nhuận cao nhất ở Mỹ và hoạt động ở 60 quốc gia khác. Tài sản ròng của Charles Koch ước tính lên tới 22 tỷ USD.

3. Cargill (Mỹ)

Doanh thu: 108 tỷ USD (2010)

Thị trường giao dịch: Ngũ cốc, muối, phân bón, kim loại

Cargill chính là người đi tiên phong với ý tưởng chất đầy hàng cho các con tàu trên chuyến trở về của chúng, một ý tưởng mang tính cách mạng khi được thực hiện lần đầu. Chẳng hạn, ngũ cốc được chở xuôi dòng, sau đó muối lại được chở ngược dòng trên cùng con tàu đó. Nếu trở thành công ty đại chúng, Cargill sẽ xếp thứ 13 trong danh sách 500 công ty lớn nhất nước Mỹ của Fortune (Fortune 500), chỉ sau tập đoàn tài chính Citigroup.

2. Glencore (Thụy Sỹ)

Doanh thu: 145 tỷ USD (2010)

Thị trường giao dịch: Kim loại, khoáng sản, hàng nông sản

Glencore đã lên sàn vào năm ngoái, mở cánh cửa của một trong những “đại gia” giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới ra trước mắt công chúng. Năm 2010, Glencore kiểm soát hơn một nửa thị trường kẽm và hơn 1/3 thị trường đồng của thế giới. CEO Ivan Glasenberg của Glencore kiếm được 10 tỷ USD tự vụ IPO của công ty.

1. Vitol (Thụy Sỹ, Hà Lan)

Doanh thu: 195 tỷ USD (2010)

Thị trường giao dịch: Dầu lửa, than, kim loại, đường

Công ty khổng lồ này giao dịch hơn 5,5 triệu thùng dầu mỗi ngày và sở hữu các kho chứa dầu ở khắp 5 châu lục. Vitol là công ty đầu tiên có giao dịch với lực lượng quân nổi dậy của Libya, đi ngược lại quy định của nhà cựu lãnh đạo Gaddafi, cung cấp cho lực lượng này khối lượng xăng dầu trị giá hơn 1 tỷ USD.

(VnEconomy)