6 tháng đầu năm, trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng, giá nhiều loại nguyên liệu, vật tư tăng đã gây áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân đã thể hiện tính năng động và thích ứng cao trong điều kiện hội nhập nên đã vượt qua thách thức, duy trì tốc độ tăng trưởng khá, góp phần phát triển kinh tế toàn tỉnh.

Theo ước tính, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm trên địa bàn TP Thanh Hóa ước đạt gần 990 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch năm, trong đó chiếm ưu thế hơn cả vẫn là khối công nghiệp: dệt may, chế tạo lắp ráp, sửa chữa hàng cơ khí, kinh doanh điện tử... bởi các doanh nghiệp này có năng lực vốn, công nghệ và thị trường phân phối rộng. Mặc dù số lượng doanh nghiệp trên địa bàn không nhiều nhưng công nghiệp hỗn hợp đã tạo ra giá trị doanh thu 663 tỷ đồng, bằng 2/3 tổng giá trị sản xuất toàn ngành.

Nhiệm vụ đặt ra cho sản xuất công nghiệp 6 tháng cuối năm 2008 với mục tiêu phải đạt giá trị hơn 700 tỷ đồng, để cả năm đạt 1.700 tỷ đồng. Để hoàn thành mục tiêu đó, ngành công thương thành phố đã đề ra nhiều giải pháp như: khai thác tối đa năng lực hiện có của các doanh nghiệp, đôn đốc công tác đầu tư xây dựng cơ bản các dự án công nghiệp lớn để sớm đưa vào sản xuất. Hiện nay, thành phố đã cấp chứng chỉ quy hoạch cho 74 doanh nghiệp trong khu công nghiệp Tây Bắc ga và 15 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất; quy hoạch, bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống như: làng bún, bánh (Đông Hương), làng hương Quán Toan (Trường Thi), bánh đa nem Quảng Xá (Đông Vệ)... phát triển một số ngành nghề mới sử dụng nguyên liệu địa phương, thu hút lao động nhàn rỗi ở các phường, xã trên địa bàn. Coi trọng hơn nữa công tác xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, khai thác tốt hơn thị trường vốn, thị trường sức lao động, khoa học - công nghệ để tăng khả năng phát triển sản xuất...   

 (TTXT TM Thanh Hoá)

Nguồn: Vinanet