Chính sách thuế và quản lý xuất khẩu bất cập. 
Đối với chính sách thuế trong ngành hàng lúa gạo cũng còn bất cập. Hiện nay các doanh nghiệp nhà nước đang được nhiều ưu đãi về thuế xuất khẩu, về sử dụng vốn nhà nước, nhưng chưa tham gia thực sự vào việc điều tiết thị trường và đã bỏ lửng thị trường trong nước.
Việc áp dụng hạn ngạch trong thị trường cạnh tranh làm triệt tiêu phần nào động lực kinh doanh của nhà xuất khẩu do những quy định về giá của Hiệp hội. Chính sách thuế xuất khẩu tỏ ra công bằng hơn cho các doanh nghiệp đồng thời nó cũng tạo nguồn thu cho nhà nước và giảm bớt những thủ tục hành chính. Thay đổi phương thức điều hành xuất khẩu bằng hạn ngạch xuất khẩu sang sử dụng thuế xuất khẩu sẽ cho phép tạo nguồn thu ngân sách để hình thành quỹ trợ giúp cho nông dân sản xuất lúa khi bị rủi ro trong khi Việt nam chưa hình thành được dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp. Hạn ngạch chỉ có thể quản lý hữu hiệu khối lượng gạo xuất khẩu, nhưng ít có tác dụng điều tiết giá trong nước, trong khi thuế xuất khẩu lại có tác dụng điều tiết thị trường trong nước. Khi giá nội địa đang cao, một mức thuế xuất khẩu cao sẽ khuyến khích nông dân và thương nhân bán lương thực vào nội địa để khỏi phải chịu thuế xuất khẩu, nhờ đó làm giảm giá lương thực trong nước. Khi giá đã xuống ở mức chấp nhận được thì thuế cũng được giảm để tận dụng cơ hội xuất khẩu ra bên ngoài. Hiện nay với cơ chế hạn ngạch, các doanh nghiệp làm lúa xuất khẩu không muôn bán cho thị trường trong nước do sẽ phải chịu thuế giá trị gia tăng so với miễn thuế hoàn toàn khi xuất khẩu. Chính sách quá ưu đãi cho doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo mà chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước đã làm các doanh nghiệp quên đi vai trò chủ đạo cung ứng cho thị trường trong nước mà Bộ NN và PTNT mong đợi. 
Tóm lại, hiện nay ngành hàng xuất khẩu gạo nước ta còn tồn tại nhiều bất cập về thể chế: 1) Nông dân nhỏ, phân tán, nên không có năng lực mặc cả, chịu thiệt thòi. 2)Tổ chức kênh hàng có nhiều trung gian và thiếu điều phối hiệu quả do đó khả năng truyền thông tin kém, không khuyến khích mua bán theo chất lượng; 2)Năng lực đàm phán ký kết hợp đồng còn yếu do Hiệp hội lương thực hoạt động còn yếu nên một số hợp đồng ký với giá thấp không phù hợp với giá thị trường trong nước. Khi đó để không bị vi phạm hợp đồng, các doanh nghiệp đề nghị chính chính phủ hạn chế xuất khẩu để giảm giá mua của nông dân. 3) Phương thức điều hành bằng hạn ngạch dễ cho chính phủ kiểm soát và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia nhưng tỏ ra kém hiệu quả so với việc đánh thuế xuất khẩu.
Một số giải pháp chính sách nhằm phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo cần được thảo luận.
 + Ưu tiên ổn định đất lúa và theo dõi biến động
Quy hoạch cụ thể phân bố 3,9 triệu ha sản xuất lúa cho từng địa phương, đồng thời xác định rõ nhiệm vụ sản xuất lương thực và ổn định sản xuất lương thực cho từng địa phương cấp tỉnh dựa trên một định hướng chiến lược sản xuất lúa của từng vùng sinh thái. Cần tạo điều kiện ổn định để cho nông dân yên tâm sản xuất nông nghiệp, tránh tình trạng nông nghiệp thoái hóa gây lãng phí nông nghiệp. Bộ NN và PTNT cần áp dụng các công nghệ hiện đại như GIS, ảnh vệ tinh (hiện nay Việt nam đã có trạm thu do Chính phủ Pháp tài trợ) để theo dõi diễn biến đất lúa hàng vụ làm cơ sở cảnh báo an ninh lương thực. Một Hệ thống quan trắc an ninh lương thực quốc gia cần được hình thành để khắc phục tình trạng trễ thông tin như hiện nay. Hệ thống thông tin thị trường do Bộ nông nghiệp triển khai ở các địa phương có thể kết hợp để thu thập thông tin về an ninh lương thực. Đây là một hoạt động quan trọng mang tính chiến lược, do vậy nhà nước cần đầu tư thích đáng cả con người được đào tạo và phương tiện đầy đủ để thực hiện.
Vấn đề đảm bảo an ninh lương thực là vấn đề quốc gia, liêm bộ do đó cần thành lập Ủy ban an ninh lương thực quốc gia để quản lý và theo dõi các biến động lớn ảnh hưởng đến an ninh lương thực và sản xuất-lưu thông lúa để có chính sách điều chỉnh kịp thời. Chính sách thuộc lĩnh vực này đòi hỏi ngắn hạn và hết sức mềm dẻo để ứng phó với các thay đổi, vì vậy cần có các thể chế cho phép ra quyết định được nhanh chóng.
 + Kết hợp chuyển đổi đất sang công nghiệp với hỗ trợ chuyển đổi nghề cho nông dân
Đối với khu vực chuyển đổi nông nghiệp sang công nghiệp cần kết hợp đồng bộ chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân sang phi nông nghiệp, nhằm đảm bảo ổn định thu nhập cho các hộ chuyển đổi, trên cơ sở đó họ sẽ nhượng lại các phân đất nông nghiệp bé nhỏ còn lại cho các hộ khác sản xuất nông nghiệp có hiệu quả hơn. Hiện trạng này ở Đồng bằng sông Hồng gây ra hiện tượng quảng canh nông nghiệp trong điều kiện đất hiếm gây lãng phí nguồn lực quốc gia nghiêm trọng.
Tuy nhiên sản xuất lúa vẫn là một nghề chuyên nghiệp và cần có chính sách hỗ trợ một bộ phận nông dân duy trì sản xuất lúa vì hiện nay thu nhập của người trồng lúa là thấp nhất so với các loại hình sản xuất nông nghiệp khác trong khi đó họ lại có những đóng góp quan trọng cho chiến lược an ninh lương thực.
 + Giải pháp phát triển ngành hàng gạo xuất khẩu
Giải pháp ở đây cần thiết phải đồng bộ trong ngành hàng: cải tiến tiêu chuẩn trồng lúa theo 3 giảm 3 tăng và nâng tính cạnh tranh trong xuất khẩu bằng cách giúp nông dân nâng cao chất lượng, đổi mới cách tiếp thị gạo, phát triển quản lý bằng cách tối ưu hoá hệ thống kinh doanh gạo của nông dân - nhà máy xay lúa - nhà xuất khẩu; coi trọng phát triển kho vận và phương tiện kinh doanh nhằm hạ giá trong khâu kho vận và gia tăng hiệu quả phân phối ở thị trường trong và ngoài nước. Trong hệ thống tổ chức này, nông dân được tổ chức thành HTX để tăng vai trò trong chế biến, bảo quản, lưu thông, tránh bị ép giá là hết sức cấp thiết. HTX người sản xuất sẽ giúp nông dân đủ năng lực đảm bảo các hợp đồng với công ty xuất khẩu. Đối với thị trường trong nước, thì các công ty lương thực cần thống nhất với các HTX về hợp đồng cung ứng gạo trong nước để đảm bảo thường xuyên cho thị trường nội địa. Nhà nước cần thiết  nắm thông tin về tình hình lưu trữ lương thực thông qua mạng lưới Hiệp hội sản xuất lúa bao gồm các HTX để điều chỉnh xuất khẩu. Ở cấp quốc gia có thể thành lập nghiệp đoàn hay Hiệp hội quốc gia của người sản xuất lúa gạo mà thành viên là hộ nông dân hay là HTX.  Hiện nay Hiệp hội lương thực mới làm được công việc là giúp nhà nước quản lý xuất khẩu thông qua hạn ngạch, tức là mang tính hành chính nhiều hơn chứ không có vai trò của một nghiệp đoàn đại diện cho người sản xuất để bảo vệ quyền lợi của người sản xuất. Việc thành lập được các tổ chức nông dân chuyên nghiệp sản xuất lúa gạo là tiền đề cho việc đàm phán tham gia tổ chức các nước xuất khẩu gạo OREC do Thái lan đề xuất hay không, vì việc tham gia này trước hết phải là công cụ trợ giúp cho người sản xuất lúa gạo hội nhập thị trường quốc tế. Chương trình hỗ trợ HTX và kinh tế tập thể của nhà nước nên tập trung vào các ngành hàng trọng điểm như lúa gạo.
 + Chính sách về khoa học công nghệ và thể chế quản lý chất lượng 
Chính sách cần thiết ưu tiên là sử dụng công nghệ sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng gạo chế biến, giảm hao hụt sau thu hoạch. Trong thời gian qua đã có công nghệ nhưng chưa được áp dụng do thiếu thể chế điều phối tổ chức trong ngành hàng, dẫn đến ngành hàng không quản lý được chất lượng gạo, không thúc đẩy được việc áp dụng công nghệ. Vì vậy chính sách về sau thu hoạch cần đồng bộ về thể chế và công nghệ kèm theo để lựa chọn. 
Bên cạnh đó cần tăng cường áp dụng biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp trên diện rộng nhằm tăng hiệu quả chi phí đầu vào trong điều kiện giá đầu vào cao; kết hợp với tối ưu hóa cơ cấu giống để tăng tính bền vững sinh thái vùng là cần thiết. Giải pháp này có thể áp dụng đối với các vùng thâm canh lúa thuộc các điều kiện sinh thái khác nhau trong điều kiện giá vật tư đầu vào tăng nhanh và hiện tượng thiếu nước trong sản xuất lúa nước thường xuyên diễn ra. Đây là giải pháp nhằm giải quyết tính bền vững của hệ thống canh tác, giảm ô nhiễm môi trường.
 + Chính sách điều tiết giá
Nhà nước cần  ưu tiên các chính sách thương mại cần thiết để điều tiết giá đầu vào, đặc biệt là phân bón để nông dân yên tâm đầu tư. Hiện nay các công ty nhập khẩu phân bón hầu hết là công ty nhà  nước, do vậy khả năng điều tiết  là hoàn toàn có thể. Trong trường hợp cần thiết, có thể dùng ngân sách hỗ trợ nông dân về đầu vào và ưu tiên đặc biệt về tín dụng đầu vào cho lúa. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng giúp nông dân tăng khả năng dự trữ lúa gạo mùa vụ là cần thiết để tạo cơ hội cho nông dân nhỏ có thể hưởng lợi từ giá lương thực tăng cao của thị trường.
Trên đây là một số vấn đề đặt ra, nhiều điểm còn cần được nghiên cứu sâu thêm nhằm tham gia thảo luận về vấn đề lớn là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

casrad.org.vn

Nguồn: Internet