Hàng vạn nhà xuất khẩu đang "mếu" do giá USD cứ rớt dài dài trong khi chi phí đầu vào tăng phi mã. Nhưng người chịu thiệt từ giá USD giảm lại là nông dân, công nhân. Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giá cá tra đã tụt giảm vì ngân hàng mua USD của doanh nghiệp quá "bèo".

Tỉ giá VND/USD giảm trong khi chi phí đầu vào tăng liên tục, doanh nghiệp xuất khẩu bị sức ép ở cả hai đầu... Các doanh nghiệp xuất khẩu đang "lên ruột" do tỉ giá VND/USD cứ giảm dần, khiến lợi nhuận của họ "tự nhiên teo lại" mà không có cách nào ngăn chặn được. Nhưng rồi người khóc sẽ là công nhân, nông dân khi lợi nhuận từ xuất khẩu giảm do VND lên giá.

Đầu tháng 3/2008, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản VN nhận được thông tin tích cực từ kết luận sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ về thuế chống bán phá giá, trong đó 29 doanh nghiệp giảm mức thuế xuống còn 0%. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp lại đang trong tâm trạng rối như tơ vò.

Hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu phải chạy toát mồ hôi mới bán được USD, nhưng ngân hàng cho biết chỉ mua với giá 15.700 đồng/USD. Chỉ với một đơn hàng nhỏ có doanh số 200.000 USD, được ký hợp đồng vào thời điểm giá USD còn ở mức 16.000 đồng, hiện nay doanh nghiệp bị "thủng" đến 60 triệu đồng, ăn luôn vào cả phần lãi.

Các doanh nghiệp xuất khẩu bị ép cả hai đầu. Nỗi lo tỉ giá giảm đã được nhân đôi khi doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với bài toán khó khác như chi phí đầu vào tăng. Cái khó của các doanh nghiệp xuất khẩu là không thể nào hạ được giá thành sản phẩm trong bối cảnh "bão giá” vẫn đang hoành hành, chi phí đầu vào tăng chóng mặt.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết đang "khóc ròng" do giá đầu vào tăng mạnh, còn tỉ giá thì cứ lùi lũi đi xuống. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lo lắng cho biết trong khi doanh thu xuất khẩu chắc chắn sẽ giảm do đồng USD mất giá, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang đau đầu do giá lúa tăng mạnh.

 

Vào thời điểm ký hợp đồng, giá lúa nguyên liệu chỉ khoảng 3.650 đồng/kg, hiện nay đã là 4.450-4.500 đồng/kg, tăng 800-850 đồng/kg. Giá thành gạo xuất khẩu không tính bao bì tại mạn tàu vào thời điểm ký hợp đồng là 5.600 đồng/kg loại 5% tấm, nay đã bị đội lên 6.800 đồng/kg. Rồi giá nhân công và vận chuyển cũng tăng mạnh. Nay lại thêm lãi suất ngân hàng tăng cao, trong khi hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều phải dựa vào vốn vay ngân hàng.

Đồng USD giảm giá khiến doanh nghiệp mất 2-3% lợi nhuận. Quyền chủ tịch Hiệp hội Da giày VN (Lefaso) cho biết, việc đồng nội tệ tiếp tục được duy trì ở mức cao so với đồng USD chỉ làm khó cho các ngành công nghiệp giữ nhiệm vụ "kiếm tiền về cho đất nước". Chỉ tính riêng ngành da giày, nếu kim ngạch xuất khẩu năm nay đạt chỉ tiêu 4,5 tỉ USD như hoạch định thì các doanh nghiệp trong ngành mất ít nhất 2-3% lợi nhuận vì VND lên giá.

Những khó khăn của doanh nghiệp do tỉ giá VND/USD giảm đang đè nặng lên người nông dân và công nhân. Phó giám đốc Công ty TNHH Phương Nam ở TP Sóc Trăng (Sóc Trăng), cho biết do tất cả nguyên vật liệu, năng lượng, chi phí vận chuyển từ kho đến cảng, từ cảng VN sang cảng nước ngoài… đều tăng nhưng giá bán tôm không tăng, trong khi tỉ giá USD lại giảm liên tục đã làm ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp.

Theo ông, doanh nghiệp trong nước bán tôm ra nước ngoài chủ yếu thu về bằng USD nhưng đối tác trả rất chậm nên doanh nghiệp chịu thiệt đến hai lần. Thứ nhất là giá USD giảm và thứ hai là bị ngân hàng ép giá. Trước tình hình này, buộc phải giảm giá mua tôm nguyên liệu từ 3.000 - 4.000 đồng/kg.

(NET)

 

Nguồn: Vinanet