Theo PGS, TS Nguyễn Văn Lịch, để hạn chế nhập siêu, những năm qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã áp dụng nhiều biện pháp như: khuyến khích phát triển xuất khẩu, quản lý nhập khẩu, điều chỉnh tỷ giá hối đoái, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, quản lý nợ, chống buôn lậu, gian lận thương mại... Tuy nhiên, những giải pháp này được áp dụng chưa đồng bộ và còn có những ý kiến khác nhau về tình trạng nhập siêu và các giải pháp để hạn chế nó. Có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong việc điều chỉnh cán cân thương mại (CCTM) như sau:

Ðiều tiết CCTM trong dài hạn nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế bền vững phải sử dụng đồng bộ các biện pháp như thương mại, đầu tư, tỷ giá hối đoái, quản lý nợ nước ngoài và các biện pháp khác. Chỉ sử dụng giải pháp thương mại, thị trường không thể cải thiện được CCTM trong dài hạn. Sự phối hợp các chính sách trong điều tiết CCTM là hết sức cần thiết.

Ðiều tiết CCTM không phải là tìm mọi biện pháp để đạt được sự cân bằng. Cân bằng CCTM không phải là mục tiêu cuối cùng, mà mục tiêu là nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, cần có những biện pháp điều chỉnh linh hoạt tùy theo từng giai đoạn công nghiệp hóa (CNH). Ðể đẩy mạnh CNH cần nhanh chóng chuyển sang áp dụng mô hình CNH theo hướng xuất khẩu dựa trên lợi thế so sánh và tự do hóa nhập khẩu cạnh tranh để khai thác lợi thế của quá trình tự do hóa thương mại.

Ðể hạn chế nhập siêu, biện pháp chủ công là phát triển xuất khẩu. Tuy nhiên, nhập khẩu để cải tiến công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế có vai trò quyết định tăng xuất khẩu. Do đó, hạn chế nhập khẩu quá mức sẽ không thể cải thiện được CCTM trong dài hạn. Nhập khẩu thúc đẩy phát triển công nghệ, là nhân tố quyết định tăng năng suất nhân tố tổng hợp, do đó có tác dụng nâng cao khả năng cạnh tranh và chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu.

Cần có độ mở cửa đúng mức để đón nhận những cơ hội từ bên ngoài. Sớm xây dựng các hàng rào kỹ thuật cần thiết mà không vi phạm quy định của WTO.

Phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ là một trong những biện pháp quan trọng để giảm nhập khẩu nguyên vật liệu và phụ kiện, nâng cao sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu, đồng thời tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Cần có nghiên cứu chi tiết (định lượng) để tính toán lại các mục tiêu về tăng trưởng xuất, nhập khẩu bảo đảm khai thác các lợi thế của mở cửa, hội nhập. Cụ thể là xác định mức nhập khẩu cho phép bảo đảm sức chịu đựng của cán cân tài khoản vãng lai và nợ nước ngoài nhằm phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp CNH, HÐH.

 

Nguồn: Nhân Dân