Năm ngoái, Bayer AG đã đóng cửa trung tâm nghiên cứu của hãng tại Kobe và Glaxo SmithKline đóng cửa phòng thí nghiệm tại Tsukuba (tỉnh Ibaraki), trong khi đó, Novartis Pharma K.K. chuẩn bị đóng cửa phòng nghiên cứu của họ ở Tsukuba trong năm nay.
Takahashi Yagi, nhà nghiên cứu hàng đầu của Phòng nghiên cứu dược phẩm do Hiệp hội các nhà sản xuất dược phẩm Nhật Bản sáng lập, cho rằng các công ty trên đang tìm cách mở rộng hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm tìm kiếm nguồn lợi. Hiện là thời điểm để các công ty lựa chọn các nước để thực hiện các hoạt động nghiên cứu. Do đó, việc các hãng dược phẩm nước ngoài đóng cửa các cơ sở nghiên cứu tại Nhật Bản là một vấn đề đáng lo ngại. Trước thực trạng trên, ông Yagi cho rằng Nhật Bản cần trở thành một thị trường đầu tư hấp dẫn hơn nữa và cần thu hút các doanh nghiệp nước ngoài thông qua hoạt động nghiên cứu quốc tế chung và phát triển các công ty liên doanh.
Ông Makoto Shimazaki, Trưởng phòng quan hệ của Bayer, cho rằng môi trường sản xuất các loại dược phẩm mới thay đổi là nguyên nhân khiến trung tâm nghiên cứu của hãng này đóng cửa. Ngoài ra, chi phí nghiên cứu và phát triển của các hãng dược phẩm đều tăng lên, nên họ phải tìm cách thu hẹp phạm vi nghiên cứu và các công ty có các trung tâm nghiên cứu tại Nhật Bản và Mỹ đành phải đóng cửa các chi nhánh nghiên cứu tại Nhật Bản. Hãng Plifzer cho biết họ sẽ tiến hành nghiên cứu cơ bản tại Mỹ và Anh.
Trong khi đó, kể từ đầu thập niên này, Trung Quốc đã thành công trong việc thu hút các công ty dược phẩm nước ngoài, trong đó có tập đoàn Roche, Astrazeneca Co., Novartis Pharma và GSK, nhờ chiến dịch phân chia tài chính, nguồn nhân lực và địa điểm để các công ty nước ngoài thành lập cơ sở.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam