Theo CEDAC, tiềm năng phát triển sản xuất lúa gạo ở Campuchia rất lớn do hoạt động sản xuất lương thực tại đây còn thấp và khả năng mở rộng diện tích đất trồng trọt còn nhiều, đặc biệt là khi các phương pháp canh tác không phụ thuộc vào việc đầu tư xây dựng các mạng lưới tưới tiêu quy mô lớn và tốn kém.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng trên, CEDAC đã đề xuất lên chính phủ, các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ và các đối tác phát triển, 6 chiến lược sau:
Thứ nhất, thực thi và hỗ trợ một chương trình tăng cường hệ thống lúa gạo (SRI)- chương trình tập hợp các kinh nghiệm quản lý trong hoạt động canh tác lúa nhằm tạo ra những điều kiện tối ưu cho phát triển - nhằm đảm bảo tất cả nông dân trồng lúa ở Campuchia đều được biết các sáng kiến của SRI và có khả năng vận dụng những sáng kiến đó vào phát triển sản xuất lúa gạo.
Thứ hai, thực thi và hỗ trợ một chương trình chọn lựa hạt giống rộng rãi trên toàn quốc nhằm đảm bảo mọi nông dân đều có được các giống lúa có chất lượng cao, phù hợp với từng địa phương.
Thứ ba, khuyến khích một chương trình quản lý đất đai màu mỡ trên toàn quốc, đặc biệt khuyến khích việc chế biến, sử dụng và canh tác bằng phân xanh, phân chuồng và phân trộn.
Các biện pháp còn lại bao gồm phát triển và quản lý hệ thống tưới tiêu vừa và nhỏ, phát triển sản xuất địa phương phù hợp với chương trình SRI và phát triển tốt hơn các năng lực tiếp thị, xay sát và kho chứa.
Theo CEDAC, các biện pháp trên, nếu thực hiện thành công thì Campuchia có thể sẽ sản xuất được 12-13 triệu tấn thóc/năm, tương đương 4.000-5.000 triệu USD/năm, tức khoảng gấp hai lần mức sản lượng hiện nay, và sẽ thừa ra khoảng 7-8 triệu tấn thóc/năm. Điều này sẽ cho phép Campuchia trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai hoặc thứ ba thế giới cũng như góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới.
Lúa là cây lương thực quan trọng nhất đối với người Campuchia và hiện có khoảng 60-65% người Campuchia tham gia hoặc kiếm sống bằng nghề trồng lúa.
 

Nguồn: Vinanet