Quan chức Bộ này cho hay, các nhóm kỹ sư, kỹ thuật viên sẽ được cử xuống các địa phương để hướng dẫn người nông dân sử dụng các loại máy móc nông nghiệp trong quá trình làm đất, gieo hạt, chăm sóc, thu hoạch và chế biến lúa, rau màu hay các loại cây nông nghiệp khác. Đã có rất nhiều nông dân dần làm quen và thích nghi với phương thức sản xuất bằng máy móc thay cho các biện pháp sản xuất nông nghiệp cổ truyền chủ yếu bằng sức người. Việc sử dụng các phương tiện máy móc hiện đại là một biện pháp quan trọng giúp tăng năng suất nông nghiệp, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp Campuchia phát triển cả về chất lượng và sản phẩm.
Theo con số thống kê của Bộ Nông-lâm-ngư nghiệp, hiện các nông dân Campuchia đang sử dụng khoảng 4.500 máy cày, 34.000 máy kéo, 131.000 máy bơm nước, 395 máy gặt, 8.000 máy tuốt lúa, khoảng 38.000 máy xay lúa và phần lớn các loại này đều là máy có công suất nhỏ. Tại một quốc gia có 75% dân số sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích canh tác lên tới trên 2 triệu ha, số lượng máy móc nói trên cho thấy một tỷ lệ rất lớn người dân vẫn đang sử dụng phương thức canh tác thủ công truyền thống. Chính phủ Campuchia hy vọng rằng cùng với các biện pháp hướng dẫn người nông dân tăng vụ, sử dụng giống mới và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, chương trình khuyến khích cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp sẽ thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, góp phần vào sự tăng trưởng chung của kinh tế nước này.
Nhờ các biện pháp và chính sách đầu tư hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của chính phủ, Campuchia từ một nước phải nhận viện trợ lương thực hồi những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nay đã trở thành một quốc gia tham gia vào thị trường xuất khẩu lúa gạo với mức trên 1 triệu tấn/năm. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đóng góp khoảng 30% GDP của Campuchia.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam