Giờ đây, giá cả trên thị trường liên tục tăng không còn chuyện lạ lẫm đối với người tiêu dùng, nhất là những bà nội trợ. Tuy nhiên, hai mặt hàng dầu ăn và sữa tăng giá khiến những đối tượng này không khỏi lo toan. Bởi hai sản phẩm này đã trở nên thiết yếu và trở thành nhu cầu tiêu dùng khó bỏ. Trước tình hình này, người tiêu dùng lại phải tiếp tục tiết kiệm, dè sẻn trong chi tiêu...
Dầu ăn sẽ bình ổn giá?
So sánh giá dầu ăn từ khoảng tháng 6-2007 với thời điểm hiện nay, thì hầu hết có mức tăng gần gấp đôi. Cụ thể, loại chai dầu 1 lít nhãn hiệu Tường An giá từ 16.000 đồng/chai nay tăng lên 30.300 đồng/chai; dầu Neptune từ 18.000 đồng/chai thì hiện tại lên 33.900 đồng/chai.

Giá dầu ăn biến động liên tục đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của tiểu thương tại các chợ. Bà Nguyễn Thị Hạnh, tiểu thương chợ Tân An, lo lắng: “So với thời điểm 1 năm trước, giá dầu ăn tăng liên tục làm người bán như chúng tôi nhiều khi còn bị tính lầm giá. Đã vậy, lượng hàng tiêu thụ cũng bị chậm lại, bởi người tiêu dùng đã chuyển sang nhiều loại hàng thay thế khác như các loại dầu ký (bán theo ký, thường có giá thấp hơn vài ngàn đồng/lít so với loại dầu chai) hoặc trở lại dùng mỡ heo”. Trong khi đó, với lợi thế của nhà phân phối lớn (khi có sự thay đổi giá nhà sản xuất phải báo trước 1 khoảng thời gian nhất định) do vậy nhiều khi ngoài thị trường đã áp dụng mức giá mới nhưng giá niêm yết tại các siêu thị vẫn chưa thay đổi. Tại các siêu thị sức mua dầu ăn vẫn duy trì bình ổn.
Theo các nhà sản xuất, giá dầu ăn thời gian qua tăng cao là do giá nguyên liệu dầu ăn của thế giới tăng cao, khoảng gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2007. Giá dầu ăn thành phẩm bán ra thị trường đôi khi còn chưa tương ứng với giá tăng của nguyên liệu. Nhưng khoảng 2 tuần nay giá hầu hết các nhãn hiệu dầu ăn đã bình ổn. Theo các nhà phân phối và các tiểu thương, hiện khó có thể đoán trước được tình hình giá của bất kỳ loại hàng hóa nào.
Với người dân, hạn chế, tiết kiệm trong tiêu dùng là một biện pháp hữu hiệu trong hoàn cảnh giá hàng hóa, dịch vụ đắt đỏ như hiện nay. Ngoài việc dùng các loại hàng thay thế, một biện pháp mà tiệm cơm bình dân Thanh Trúc, đường Trần Ngọc Quế áp dụng hiện nay là: “Trước đây, mỗi ngày tiệm cơm phải dùng hết khoảng 5 lít dầu ăn để chế biến các món ăn. Nay giá dầu cao, tiệm đã hạn chế bằng cách thay đổi món ăn như giảm bớt món cá chiên, món xào mà thay vào đó là các loại kho, nấu... hiện nay tối đa dùng không quá 2 lít/ngày”.
Giá sữa còn tăng
Ngay trong những tháng đầu năm, giá các sản phẩm sữa trên thị trường liên tục tăng. Đợt đầu tiên vào khoảng trung tuần tháng 1, giá một số hãng sữa ngoại trên thị trường tăng 10%, trong đó tăng mạnh nhất là các sản phẩm của Hãng Dumex, cao nhất tới 32.000 đồng/hộp. Riêng các sản phẩm của Enfa sẽ tăng đầu tháng hai tới, dòng A+ tăng ít nhất 10%, các sản phẩm của Vinamilk, Dutch Lady Việt Nam, các hãng sữa Mead Johnson, Abbott, Nestle, Dumex... cũng tăng giá từ 5 - 7%. Còn theo thống kê của Công ty thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ, các loại sữa đặc nhãn hiệu Cô gái Hà Lan, Hoàn Hảo, Ông Thọ, Ngôi Sao Phương Nam... trong vòng tháng qua cũng đã tăng bình quân từ 500- 2.200 đồng/hộp. Việc tăng giá này, ảnh hưởng khá lớn đối với người tiêu dùng, nhất là những gia đình có con nhỏ.
Vợ chồng chị Trần Ngọc Ngoan ở đường Trần Hưng Đạo, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đều là cán bộ công chức nhà nước. Cộng hết các thứ, hằng tháng vợ chồng chị có thu nhập gần 5 triệu đồng. Các khoản chi tiêu (điện, nước, ăn uống,...) đã mất gần 4 triệu đồng. Bây giờ, giá cả trên thị trường cứ thi nhau “leo thang” trong khi thu nhập thì vẫn giậm chân tại chỗ. Vì thế, bây giờ mỗi lần đi mua sắm chị Loan phải tính toán rất chi li. Chị cho biết: “Khoản nào cắt xén được thì cắt xén. Chứ nếu không thì không còn khoản nào để đầu tư cho đứa con”. Con trai chị Ngoan năm nay được 4 tuổi. Như chị nói, thằng bé thuộc dạng kén ăn nên phải bổ sung nhiều sữa để cho bé không gầy. Nhưng chỉ riêng tiền mua sữa đã gần 500.000 đồng/tháng. Mỗi lần nhắc đến “vấn đề” này, chị Ngoan không khỏi bồn chồn, lo lắng: “Giá sữa trên thị trường leo thang cũng không thua gì các hàng hóa khác. Nghe nói sắp tới sẽ còn tăng nữa. Với đà này, không biết mai mốt có chịu nổi nữa không!”.
Chị Mai Anh, ở đường Cách Mạng Tháng 8, phường Bình Thủy vừa mới sinh con đầu lòng được 2 tháng. Chị không đủ sữa để nuôi con, nên phải cho bé bú sữa bình. Chị cho biết: “Mỗi tuần, tiền sữa bồi bổ cho mẹ, sữa cho con đã hết hơn 300.000 đồng. Làm công nhân như vợ chồng tôi lương ba cọc, ba đồng thì đây quả là khoản tiền không nhỏ. Cũng may là vợ chồng tôi sống với bà ngoại của cháu, chứ nếu không thì không biết xoay trở như thế nào?”.
Trước những đợt biến động, việc đánh giá khá chính xác thái độ của người tiêu dùng là những đại lý, người buôn bán. Chị Loan, chủ một tiệm tạp hóa trên đường Nguyễn Văn Cừ, cho biết: “Bây giờ, không ai ngạc nhiên với chuyện sữa tăng giá. Người ta chỉ hỏi giá sữa tăng nữa hả? Nhưng thật tình mà nói, mỗi lần hỏi như thế tôi thấy ai cũng đăm chiêu, cũng khá đắn đo cân nhắc khi mua hàng”. Như chị Loan kể, tội nhất là những “bà bầu” công nhân, mỗi lần nghe thông tin giá sữa tăng đều nhăn mặt than: “Em ăn uống không được nhiều, làm thì thu nhập chẳng được bao nhiêu. Tiền dành dụm đều mua sữa để bồi bổ. Giá sữa tăng hoài, không biết làm sao nuôi đứa con trong bụng”.
Nguyên nhân khá quen thuộc mà các nhà sản xuất đưa ra cho việc tăng giá sữa là giá nguyên liệu đầu vào, giá xăng dầu tăng... nên buộc phải tăng giá bán. Và trong tình hình hiện nay, theo dự đoán, nhiều khả năng giá sản phẩm này sẽ còn tăng cao trong thời gian tới.
 
 

Nguồn: Internet