Na Uy tăng hạn ngạch khai thác cua huỳnh đế

Na Uy đã tăng tổng sản lượng được phép khai thác (TAC) cua huỳnh đế ở khu vực khai thác theo quy định của nước này lên mức cao nhất trong 7 năm.

Hạn ngạch năm 2015/2016 đạt 1.300 tấn cua đực và 50 tấn cua cái. Hạn ngạch cua đực đã tăng 200 tấn so với vụ trước. Viện Nghiên cứu Thủy sản Na Uy khuyến nghị hạn ngạch cua đực chỉ nên ở mức 1.250 tấn.

Hạn ngạch tăng cao không chỉ mang lại lợi nhuận cho ngành khai thác cua mà còn ngăn chặn được nguồn lợi cua phát triển quá xa khỏi vùng thuộc quyền quản lý của Na Uy.

Theo quy định của Na Uy, ngư dân chỉ được phép khai thác cua có vỏ dày ít nhất 130 mm.

Na Uy và Nga trước đây cấm khai thác cua huỳnh đế theo thỏa thuận “vùng xám” (Grey Zone Agreement) năm 1978. Tuy nhiên, năm 1994, hai nước này đã mở cửa khai thác trở lại và chia đều hạn ngạch giữa 2 bên. Các nước này đã quyết định bắt đầu khai thác cua thương mại từ vụ khai thác 2002/2003.

Giá cá ngừ vằn Băng Cốc gần chạm đáy

Các nhà chế biến cá ngừ lớn tại Băng Cốc Thái Lan đang mua cá ngừ chỉ với giá khoảng 1.000-1.010 USD. Theo một nguồn tin ở Mỹ, một số nhà chế biến đang cố gắng mua cá với giá 950 USD/tấn, là mức giá gần chạm đáy thị trường. Tuy nhiên một nguồn tin khác tại châu Á lại cho rằng giá còn giảm nữa trước khi phục hồi.

Các nhà chế biến đồ hộp ở Êcuađo cũng đang rất lo ngại khi sản lượng khai thác tăng ở Đông Nhiệt đới Thái Bình Dương và “không có đủ chỗ để bảo quản cá”. Nhu cầu cá ngừ hộp và thăn đông lạnh rất kém, chỉ có một điểm sáng duy nhất là tại Tây Ban Nha, giá cá ngừ khá ổn so với khác khu vực khác.

Một nhà chế biến của Tây Ban Nha cũng khẳng định bức tranh này. Các nhà chế biến nhận thấy giá đã chạm đáy và đang tăng nguồn cung đáp ứng cho nhu cầu mùa hè.

Nhà sản xuất tôm đầu tiên của Ấn Độ đạt chứng nhật BAP 4 sao

Liên minh Nuôi trồng thủy sản Toàn cầu (GAA) cho biết, công ty Penver Products trở thành nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản đầu tiên của Ấn Độ đạt chứng nhận Thực hành nuôi trồng thủy sản tối ưu (BAP) cấp độ 4 sao.

Mới đây, công ty Penver đã hợp tác với nhà cung cấp thủy sản National Fish & Seafood (NFS) tại Gloucester, Massachuset, Mỹ, chi nhánh của Pacific Andes International Holdings Ltd. NFS và Penver đã tổ chức hội thảo tập huấn người nuôi về thực hành nuôi có trách nhiệm và các tiêu chuẩn nuôi BAP.

Penver Products đạt chứng nhận BAP cấp độ 4 sao khi nhà máy chê biến thức ăn của Avanti Feeds Limited gần đây đạt chứng nhận BAP. Nhà máy chế biến Ocean Edible International Ltd, mà Penver Products thuê, cũng đạt chứng nhận. Đó là mô hình hoạt động liên kết 5 trại nuôi đối với tôm và trại sản xuất giống BMR Industries Pvt. Ltd cũng đạt chứng nhận.

NFS và Penver sẽ triển khai chương trình thử nghiệm giúp các trại nuôi nhỏ và hộ gia đình hướng đến chứng nhận BAP theo một cách chi phí hiệu quả.

Trên thế giới, có 21 công ty đạt chứng nhận BAP cấp độ 4 sao, trong đó có 18 sản xuất tôm và 3 sản xuất cá hồi.

Khai mạc hội nghị cá rô phi Talapia 2015 tại Malaixia

Hội nghị và Hội chợ Kỹ thuật và Thương mại quốc tế lần thứ 4 về cá rô phi do Infofish tổ chức sẽ diễn ra tại Malaixia từ ngày 2-4/4 với hơn 300 khách tham dự từ khắp nơi trên thế giới.

Dự kiến, ngày đầu tiên của hội nghị sẽ tập trung vào các vấn đề như nguồn cung và nhu cầu cá rô phi, khai quát về sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu và ngành cá rô phi ở Trung Quốc, Philippin, Inđônêxia, Bănglađét, Ấn Độ, Việt Nam, Papua Niu Ghine và Pakistan.

Ngày thứ 2 của hội nghị sẽ thảo luận về các nội dung như thị trường cá rô phi Mỹ, châu Âu, Mỹ Latinh và châu Phi, cá rô phi đối với an ninh lương thực và xuất khẩu tại châu Á, chứng nhận nuôi trồng thủy sản và xu hướng toàn cầu về dinh dưỡng rô phi.

Hội nghị sẽ kết thúc vào thứ 7 ngày 4/4 với nội dung tập trung về tình hình dịch bệnh có thể xẩy ra đối với cá rô phi.

Cá rô phi là loài được nuôi nhiều thứ 2 trên thế giới trong đó Trung Quốc, Ai Cập và Philppin là những nước sản xuất quan trọng. Đặc biệt, Mỹ đang trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất trên thế giới đối với loài cá này.

Hòa Phạm

Nguồn: Vinanet Tổng hợp