Mỹ: Doanh số thủy sản tăng gần 60% tại các siêu thị

Kinh tế Mỹ phục hồi, các siêu thị cũng đẩy mạnh kinh doanh thủy sản tươi sống, tìm nguồn cung ứng và nâng cao nhận thức về thủy sản nên doanh thu từ mặt hàng này tăng lên. Các chương trình khuyến mãi, các sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm đóng gói nhỏ và gia tăng tiêu thụ tăng nên doanh số từ các sản phẩm thủy sản tăng.

Năm 2014, doanh số bán thủy sản tăng gần 60% tại các siêu thị. Đến 70% trong số những người quản lý mặt hàng thủy sản tại siêu thị cho biết, doanh thu từ mặt hàng này sẽ còn tăng trong năm nay.

Với người tiêu dùng, lý do lớn nhất để mua thủy sản tươi sống là do chất lượng sản phẩm tăng. Tuy nhiên, không chỉ vậy, thái độ nhân viên bán hàng tốt cũng sẽ làm tăng doanh thu.

Nguồn cung thủy sản nuôi đã cải tiến chất lượng sản phẩm nên cũng đã thu hút được người tiêu dùng. Nhìn chung, hiện tại có rất nhiều ý kiến ​​tích cực về nuôi thủy sản bền vững, giá hấp dẫn hơn thủy sản khai thác. Các chứng nhận như ASC cũng là cách để thu hút khách hàng.

Các siêu thị đang nỗ lực để đưa ra chương trình khuyến mãi, quảng cáo. Hiện nay, thách thức lớn nhất đối với kinh doanh thủy sản là thủy sản khó nấu và đắt hơn các thực phẩm khác. Do đó, phải đẩy mạnh khuyến mãi và cho phép người tiêu dùng thử sản phẩm trước khi mua.

Giá cá ngừ vằn vẫn ở mức thấp

Giá cá ngừ vằn duy trì ở mức thấp trong cả tháng 3/2015 trong khi khối lượng khai thác loài này ở Trung Tây Thái Bình Dương (WCPO) vẫn khá cao. Hiện tại giá cá ngừ vằn không có dấu hiệu phục hồi cũng như giảm thêm.

Sản lượng khai thác ở WCPO vẫn cao mặc dù một số công ty đã thu hẹp hoạt động khai thác trong bối cảnh giá giảm mạnh. Giá CFR cá ngừ vằn nguyên con đông lạnh cỡ 1,8kg trở lên ở Bangkok vẫn ở mức 1.000 USD/tấn. Mức giá chạm đáy này sẽ làm cho các công ty khai thác bị thua lỗ.

Do nhu cầu thấp tại các thị trường tiêu thụ, sản xuất ở Bangkok giảm và nguồn cung cá ngừ tăng ở Bangkok, một số nhà máy đóng hộp quy mô nhỏ đang giảm 50% công suất chế biến. Giá thị trường thấp, cung vượt cầu khiến chủ tàu và các nhà máy đóng hộp đối mặt với cuộc khủng hoảng trong kinh doanh. Giá thấp khiến các chủ tàu lo ngại tuy nhiên tâm lý chung của thị trường không thể khiến giá phục hồi. Mức 1.000 USD/tấn hiện tại là mức thấp nhất ở Bangkok kể từ tháng 3/2010.

Na Uy tăng xuất khẩu cá tuyết FAS sang Anh

Hội đồng Thủy sản Na Uy (NSC) vừa đưa ra chương trình mới, nhấn mạnh đến chất lượng và khả năng cạnh tranh nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng Anh về sản phẩm cá tuyết đông lạnh trên biển (FAS).

XK philê cá tuyết FAS dạng block từ Na Uy sang Anh đạt mức 5.000 tấn, tăng 5 lần chỉ trong vòng 3 năm. Anh hiện là thị trường cá tuyết lớn nhất thế giới, tiêu thụ đến 300.000 tấn cá thịt trắng mỗi năm, hơn 75.000 tấn so với thị trường lớn thứ 2 là Bồ Đào Nha. Khoảng 75% cá tuyết tiêu thụ tại Anh là dạng bao bột và chiên.

Đối với Na Uy, Anh là thị trường XK thủy sản có tốc độ tăng trưởng lớn nhất. Năm 2014, Anh NK 130.159 tấn thủy sản từ Na Uy, đạt giá trị 4 tỷ NOK, tăng 22% về khối lượng và tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ. Năm nay XK thủy sản từ Na Uy sang Anh sẽ tăng. Tính đến cuối tháng 2/2015, Anh là thị trường chính cho sản phẩm cá thịt trắng và cá hồi Na Uy.

Năm 2014, Anh NK 23.082 tấn cá tuyết Na Uy, tăng 33% so cùng kỳ. Giá trị NK cá tuyết đạt 600 triệu NOK.

Giá cá tuyết đen Alaska tăng 15%

Mỹ đã bắt đầu XK cá tuyết đen sang Nhật Bản. Giá CIF sang Nhật Bản cho sản phẩm cá cắt chữ J đông lạnh cỡ 5/7 là 7,25 USD/pao, cỡ 4/5 có giá 6,80 USD/pao và cỡ 3/4 có giá 6,35 USD/pao. Như vậy, giá cá tăng khoảng 0,7 -1 USD/pao so với cùng kỳ. Hiện nay, tại Mỹ và Nhật Bản không có hàng tồn kho. Tại Nhật Bản, sản phẩm này có giá 1705 JPY cho loại cỡ 5/7, giá 1600 JPY cho loại 4/5 và 1495 JPY cho loại 3/4. Bình thường, giá của lô hàng đầu tiên của năm mới thường cao hơn giá của năm cũ.

Tại Mỹ, ngư dân bán cá với giá 5,25 USD/pao cho loại cỡ 5/7, giá 4,5 USD/pao cho cỡ 4/5 và 3,75 USD/pao cho loại 3/4. Được biết, năm 2013, khoảng 70% của cá tuyết đen Alaska được vận chuyển đến Nhật Bản. Do nhu cầu các chuỗi nhà hàng ở mức cao nên khối lượng cá cỡ 5/7 trên thị trường Mỹ sẽ giảm.

Thái Lan: Tăng xuất khẩu sò điệp đông lạnh và nghêu chế biến

Năm 2014, giá trị NK nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Thái Lan tăng 36% so với năm 2013. Trong đó, giá trị NK từ thị trường New Zealand tăng đột biến, 125% so với năm trước. Giá trị NK sang thị trường lớn thứ 2 là Nhật Bản cũng tăng 21%.

Năm qua, xu hướng tăng NK nghêu chế biến và sò điệp của Thái Lan cũng giống như các DN XK Trung Quốc và Việt Nam trong năm qua. Cũng trong năm này, Thái Lan đẩy mạnh tăng XK sò điệp (HS 030739) và nghêu chế biến (HS 160556) sang Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản và Canada.

Peru: Xuất khẩu sò điệp giảm

11 tháng đầu năm 2014, giá trị XK sò điệp của Peru đạt 115,1 triệu USD, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo Hiệp hội các nhà XK Peru (ADEX), sự sụt giảm này là do sản lượng nuôi thấp hơn so với năm ngoái.

Cũng trong giai đoạn này, Pháp là thị trường XK hàng đầu của DN sò điệp Peru với giá trị đạt 50,6 triệu USD, tăng so với cùng kỳ năm 2013 (46 triệu USD). Mỹ là thị trường XK lớn thứ 2 với giá trị đạt 21,4 triệu USD, tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Bỉ là thị trường XK lớn thứ ba (13,2 triệu USD), tiếp theo là Canada (5,6 triệu USD), Italy (5,1 triệu USD), Hà Lan (4 triệu USD), Tây Ban Nha, Anh và Chile.

Theo đánh giá trong báo cáo của ADEX, Trung Quốc và Nga là hai thị trường XK tiềm năng của các DN XK sò điệp của Peru.

Hòa Phạm

Nguồn: Vinanet Tổng hợp