Thái Lan ước sản lượng tôm 2015 đạt 400.000 tấn

Tổng Cục thủy sản Thái Lan đã tiến hành khảo sát khả năng sản xuất tôm chân trắng của nước này và đưa ra dự báo sản lượng sẽ đạt 300.000 – 400.000 tấn.

Kết quả khảo sát cho thấy người nuôi tôm khá lạc quan với tình hình sản xuất của họ. Nhiều trại nuôi đang phục hồi sau đại dịch EMS (Hội chứng tôm chết sớm). Theo ước tính của Aquaculture Asia Pacific đưa ra gần đây, sản lượng tôm của Thái Lan năm 2013 chỉ đạt 267.615 tấn và đạt 328.000 tấn năm 2014.

Ngành cá minh thái Nga sẽ phát triển theo mô hình của Mỹ

Năm 2011, tại Mỹ, 5 công ty hàng đầu chỉ kiểm soát hơn 43% hạn ngạch cá minh thái thì đến nay, nhóm 4 công ty hàng đầu chiếm đến 80% hạn ngạch. Trong đó,Trident Seafoods có 25% hạn ngạch, Maruha Nichiro chiếm 22%, Nissui chiếm 18% và American Seafoods Group chiếm 16%. Ngành khai thác cá minh thái sẽ sẽ đi theo mô hình đã được thực hiện tại Mỹ, với mục tiêu 5 công ty hàng đầu kiểm soát 80% hạn ngạch trong năm 2015-2016. Do đó, 5 công ty đánh bắt cá minh thái hàng đầu của Nga sẽ kiểm soát nhiều hạn ngạch trong 2 năm tới.

Năm 2014, khối lượng cá minh thái FAS của Nga tăng 27% nhưng cũng chỉ đạt 38.000 tấn, trong khi khối lượng cá bỏ đầu và ruột (H&G) đạt 664.000 tấn, giảm 1% và cá nguyên con đạt 190.000 tấn, tăng 5%.

Đồng rúp yếu cũng có nghĩa là các doanh nghiệp Nga có thể đẩy mạnh XK. Mỹ và EU sẽ tiếp tục là thị trường lớn cho sản phẩm cá minh thái Nga. Tiêu thụ cá minh thái tại thị trường Nga châu Á và Brazil cũng sẽ tăng.

Hiện tại, Nga tiêu thụ khoảng 200 nghìn tấn cá minh thái và có thể tăng lên mức 350 – 400 nghìn tấn. Do Nga cấm NK thủy sản từ EU, Mỹ, Canada, Na Uy và Australia, nhu cầu tại thị trường Nga tăng, đồng rúp yếu làm giá cá tuyết tăng quá cao, cá minh thái trở thành sản phẩm thay thế hàng sản phẩm NK. Loài cá này được coi là mặt hàng rẻ tiền.

Tại Brazil, cá minh thái được đánh giá cao. Thị trường châu Á tiêu thụ cá nguyên con nhiều hơn. Do đó, ngoài thị trường Mỹ và EU, các thị trường trọng điểm như châu Á, Brazil cũng có thể tăng tiêu thụ cá minh thái.

Sản lượng khai thác cá cơm tại Peru sẽ tăng 30%

Peru là nước XK bột cá lớn nhất thế giới. Sản lượng khai thác cá cơm ở nước này có khả năng sẽ tăng ít nhất 30% trong năm nay sau khi vụ khai thác đầu tiên bắt đầu từ đầu tháng 3.

Trữ lượng cá anchovy nước lạnh dùng để làm bột cá và dầu cá đã phục hồi. Năm ngoái, do có hiện tượng El Nino nên sản lượng khai thác giảm.

Sản lượng cá cơm Peru đã giảm 1/3 so với mức trung bình xuống còn 2,2 triệu tấn trong năm 2014. Nguyên nhân là do trong vụ thứ nhất chỉ khai thác được 68% hạn ngạch và chính phủ Peru quyết định không khai thác vụ thứ hai.

Nguồn cung cá giảm nên lượng bột cá sản xuất cũng giảm, làm giảm tăng trưởng kinh tế của Peru trong năm 2014.

Peru sản xuất khoảng 30% tổng lượng bột cá của toàn thế giới do có lượng cá cơm lớn.

Vụ khai thác cá cơm chính ở vùng biển bắc và trung Peru có thể sẽ bắt đầu từ tháng 4 hoặc tháng 5 với hạn ngạch lớn. Nếu không có gì thay đổi, có thể hạn ngạch sẽ tăng đến 2 - 2,5 triệu tấn.

Oman giảm nhập khẩu thủy sản

Chính phủ Oman xác định ngành nông nghiệp và chăn nuôi phải mở rộng nhằm tự phục vụ nhu cầu trong nước.

Oman muốn giảm NK các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi đồng thời quảng bá sản phẩm địa phương. Hiện nay, Oman đang XK hơn 50% các sản phẩm thủy sản sang các thị trường vùng Vịnh, các nước châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Năm 2014, Oman XK khoảng 126.000 tấn thủy sản.

Nguồn ngân sách trị giá khoảng 1,3 tỷ USD sẽ được phân bổ đầu tư để cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển cảng, chợ cá, mở rộng đội tàu đánh cá và trợ cấp cho người nuôi thủy sản.

Myanmar hạn chế đánh bắt nhằm bảo tồn trữ lượng

Cơ quan quản lý gia súc và thủy sản Myanmar sẽ quy định về giới hạn vị trí và thời gian đánh bắt trong vùng biển của nước này trong niên vụ 2014-2015 nhằm bảo tồn trữ lượng.

Myanmar đã mất hơn 90% trữ lượng hải sản và khoảng 60% các loài cá đáy do lạm thác. Thiếu sự hỗ trợ tài chính, nâng cao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất giảm làm XK thủy sản sụt giảm. Do đó, những người nuôi thủy sản Myanmar cần hỗ trợ tài chính để phát triển các phương pháp nuôi hiệu quả và thực hiện các hoạt động đánh bắt bền vững.

Xuất khẩu các sản phẩm từ khai thác biển của Myanmar đạt gần 400 triệu USD trong 10 tháng đầu của năm tài khóa 2014-2015 (bắt đầu từ tháng 4 vào kết thúc vào tháng 5 năm sau). Con số này dự kiến sẽ đạt 450 triệu USD năm tài khóa, giảm gần 100 triệu USD so với cùng kỳ. Myanmar XK thủy hải sản vào thị trường EU, Mỹ và các thị trường châu Á.

Êcuađo sẽ ra mắt chiến dịch tiếp thị tôm tại hội chợ Boston

Phòng Nuôi trồng thủy sản quốc gia (CNA) cho biết Êcuađo sẽ thúc đẩy chiến dịch tiếp thị tôm “First class Shrimp” tại hội chợ quốc tế thủy sản Bắc Mỹ tại Boston từ 15-17/3. Đây là sự kiện quan trọng nhất để xúc tiến các sản phẩm thủy sản ở thị trường Mỹ”.

Theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương Êcuađo, xuất khẩu tôm của nước này đạt 2,57 tỉ USD về doanh thu trong năm 2014, tăng 44% so với năm ngoái.

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu tôm quan trọng thứ 2 của Êcuađo với 30% tổng xuất khẩu. Mỹ nhập khẩu 91% tổng sản phẩm thủy sản cần thiết, trong đó, 25% là tôm.

Hòa Phạm

Nguồn: Vinanet Tổng hợp/Vasep