Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ gây lãng phí

Lần thứ 9 Văn phòng trách nhiệm giải trình chính phủ Mỹ (GAO) gọi chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) là chồng chéo và lãng phí tiền thuế của dân.

GAO có nhiệm vụ xác định các bộ phận có thể tinh giản hay loại bỏ nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, tránh chồng chéo và trùng lặp. Cơ quan này cho biết: loại bỏ chương trình thanh tra cá da trơn của USDA sẽ không ảnh hưởng đến sự an toàn cho người sử dụng sản phẩm này, trong khi tiết kiệm hàng triệu USD mỗi năm.

Không chỉ tiêu tốn 170 triệu USD của người nộp thuế, chương trình này bắt 2 cơ quan khác nhau cùng thực thi 1 nhiệm vụ và làm thiệt hại cho cả bên NK, bên XK, ngành nông nghiệp, thủy sản, quản lý thực phẩm và còn nhiều lĩnh vực khác nữa. NFI cũng giới thiệu về website repealcatfish.com, phản đối chương trình thanh tra này.

Mỹ: Xuất khẩu surimi tăng 23%

Theo Cục Nghề cá biển quốc gia Mỹ (NMFS), 2 tháng đầu năm 2015, tổng XK surimi của Mỹ đạt 13.836 tấn, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2014 (11.226 tấn). XK surimi cá minh thái Alaska chiếm tỷ trọng lớn nhất với 12.739 tấn, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái (10.126 tấn). Giá trị XK mặt hàng này đạt 32,9 triệu USD, tăng từ 24 triệu USD của năm trước đó.

Nhật Bản là thị trường NK surimi cá minh thái Alaska lớn nhất, vượt qua Hàn Quốc. XK mặt hàng này sang Nhật Bản đạt 5.946 tấn, trị giá 14,8 triệu USD tăng từ 4.354 tấn, trị giá 7,3 triệu USD của cùng kỳ năm trước đó. Hàn Quốc NK 5.829 tấn, trị giá 14,8 triệu USD; tăng từ 4.354 tấn, trị giá 10,4 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái.

XK surimi sang Pháp 2 tháng đầu năm nay tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014 đạt 413 tấn từ 242 tấn. Đây là thị trường lớn nhất Châu Âu về tiêu thụ surimi của Mỹ.

EPO: Sản lượng cá ngừ vằn đạt mức cao 6 năm

Trong khi giá cá ngừ vằn toàn cầu đang liên tục giảm, sản lượng khai thác loài này ở khu vực Đông Thái Bình Dương (EPO) tiếp tục tăng lên mức cao 6 năm.

Hai tháng đầu năm nay, sản lượng cá ngừ vằn ở khu vực EPO tăng 16% đạt 57.651 tấn, chiếm 53% tổng sản lượng khai thác cá ngừ thương mại của khu vực.

Trong giai đoạn 2 tháng đầu năm, khối lượng khai thác cá ngừ vằn đạt cao nhất kể từ năm 2009; khối lượng khai thác đạt đỉnh năm 2008 với 65.336 tấn.

Nguồn cung tăng trong khi nhu cầu yếu khiến giá cá ngừ vằn toàn cầu giảm. Việc giảm hoạt động khai thác của các đội tàu, giảm nguồn cung được cho là cách tối ưu để bình ổn giá.

Tổng sản lượng khai thác cá ngừ thương mại của khu vực EPO đạt 109.166 tấn trong 2 tháng đầu năm nay, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sản lượng khai thác tất cả các loài cá ngừ đều tăng.

PNA, Thái Bình Dương cân nhắc tạm ngừng khai thác cá ngừ vằn

Giá cá ngừ vằn đã giảm xuống gần mức đáy. Các đội tàu khai thác cá ngừ vằn ở Thái Bình Dương và các nước tham gia thỏa thuận Nauru (PNA) đang cân nhắc ngừng khai thác 1 tháng để đẩy giá lên.

Hiện nguồn cung cá ngừ vằn trên thị trường khá dồi dào trong khi nhu cầu các nhà chế biến thấp. Do vậy, việc ngừng khai thác sẽ giúp giảm bớt nguồn cung và nâng giá lên các mức mà các tàu khai thác có thể làm ăn có lãi.

Đầu tháng 4/2015, các nhà máy chế biến đồ hộp cá ngừ lớn ở Bangkok mua cá ngừ vằn với giá 1.000 USD/tấn và 1.010 USD/tấn. Một số nhà máy chế biến ở Mỹ mua với giá 950 USD/tấn. Một nguồn tin ở Châu Á cho rằng, giá sẽ giảm thêm trước khi phục hồi.

Chính phủ Tây Ban Nha kêu gọi giữ nguyên hạn ngạch NK thăn cá ngừ

Chính phủ Tây Ban Nha đang kêu gọi không thay đổi Hạn ngạch thuế độc lập (AQT), điều này gây tranh cãi giữa ngành chế biến đồ hộp và ngành khai thác của nước này.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Nghề cá Tây Ban Nha đại diện cho chính phủ nước này đề nghị giữ nguyên hạn ngạch NK 22.000 tấn thăn cá ngừ. Với quyết định này, ANFACO cho rằng chính phủ không quan tâm đến tầm quan trọng của ngành chế biến đóng hộp và những đóng góp của ngành này cho kinh tế đất nước.

Chính phủ Tây Ban Nha đang cố gắng thuyết phục các nước EU khác giữ nguyên hạn ngạch 22.000 tấn chứ không tăng lên 30.000 tấn. Theo ANFACO, quyết định này sẽ ảnh hưởng xấu tới lợi ích của ngành chế biến đóng hộp trong nước.

CEPESCA đã tổ chức 1 cuộc họp với các giới chức nghề cá EU và thông báo rằng nguồn cung cá ngừ trên thị trường khá dồi dào và không cần thêm nguồn cung. Ngành này không muốn bán cá ngừ nguyên con đông lạnh cho các thị trường quốc tế. Tổ chức này cho biết lao động chế biến thăn cá ngừ sẽ giảm xuống nếu ngày càng nhiều thăn cá ngừ từ các nước không có thỏa thuận thương mại với EU như Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam được NK vào thị trường này.

Giá cá ngừ vằn Êcuado giảm 25% trong 2 tháng

Giá cá ngừ vằn Êcuađo đã giảm 25% trong 2 tháng qua tại Êcuađo, một phần là do sản lượng khai thác tăng.

Một nguồn tin khác cho biết tính đến ngày 16/4, giá cá ngừ Êcuado là 950 USD/ tấn. Hai tháng trước, giá cá ngừ vằn Êcuađo đạt 1.200 USD/tấn trong khi giá hiện nay là 900 USD/tấn. Giá cá ngừ đã giảm 35% so với mức giá khoảng 1.400 USD/tấn của một năm trước. Giá giảm là do sản lượng tăng khi đội tàu cá ngừ tăng trong năm trước.

Việc một số các nhà chế biến châu Âu tạm dừng sản xuất trong tháng 12 cũng như việc áp thuế nhập khẩu 0% đối với 22.000 tấn thăn cá ngừ từ Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam trong trong tháng 1 đã gây sức ép lên giá cá ngừ.

Các nguồn tin ước tính giá sẽ tăng khoảng 10-15% trong những tháng tới, do nhu cầu tăng và sản lượng giảm do lệnh cấm khai thác ở Êcuađo bắt đầu từ tháng 8.

Hòa Phạm
Nguồn: Vinanet Tổng hợp/Vasep.com.vn/vietfish.org