Italy: thị trường xuất khẩu lớn cần tập trung

Năm 2014, mặc dù tổng giá trị NK mực, bạch tuộc sang thị trường Italy giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm trước nhưng dự báo trong năm 2015 đây vẫn là thị trường lớn cần tập trung của các DN hải sản Việt Nam. Là thị trường NK lớn nhất khối EU của mực, bạch tuộc Việt Nam, năm 2014, giá trị XK mực, bạch tuộc sang Italy đạt 51,37 triệu USD, chiếm 10,6% tổng giá trị XK sang 76 thị trường.

Tuy nhiên, năm 2014, giá trị XK mực, bạch tuộc sang thị trường này có nhiều tháng giảm sút từ 15-16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, tháng 8/2014, giá trị XK sang thị trường này giảm mạnh nhất, gần 30% so với cùng kỳ năm 2013.

Giảm quan tâm tới thị trường Italy, nhiều DN Việt Nam chuyển hướng tập trung cho một số thị trường lớn, tiềm năng và giá cao trong khối EU như: Đức, Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp… Dự báo, trong năm 2015, XK mực, bạch tuộc sang thị trường Italy ổn định hơn so với năm trước, tuy nhiên giá trị XK sẽ không tăng trưởng rõ rệt, thay vào đó, giá trị XK sang thị trường giá tốt như: Đức, Pháp sẽ khả quan trong năm nay.

Hiện nay, Việt Nam là nguồn cung lớn thứ 6 của Italy (sau Tây Ban Nha, Thái Lan, Mexico, Pháp và Trung Quốc). Nhưng Việt Nam mới chỉ chiếm gần 6% tổng giá trị NK của nước này. Trong khi đó, nguồn NK chủ yếu của Italy vẫn là từ Tây Ban Nha (chiếm 25,5-30,5%), tiếp đó là Thái Lan (chiếm từ 7-25%) tổng giá trị NK.

Là một thị trường NK lớn mực, bạch tuộc tại EU, trong đó phần lớn là tiêu thụ trong nước, giá NK cũng khá hấp dẫn nên đây cũng là mục tiêu chung của nhiều nguồn cung nhuyễn thể chân đầu trên thế giới.

Mực, bạch tuộc đông lạnh, khô muối hoặc ngâm nước muối (HS 030749-59) chiếm phần lớn tỷ lệ NK của nước này. Đây cũng là nhóm sản phẩm XK thế mạnh của DN XK Việt Nam, trong năm 2015, Italy là thị trường cần giữ vững tốc độ XK bên cạnh một số thị trương tiềm năng lớn như: Đức, Pháp.

Sản xuất tôm hùm ở Mỹ phát triển

Tại Trung Quốc, tầng lớp trung lưu với mức sống cao hơn đang tăng lên làm nhu cầu tiêu thụ tôm hùm tăng. Do đó, các công ty Mỹ XK nhiều tôm hùm sang thị trường này có doanh thu tăng vọt.

Các công ty này chủ yếu ở vùng Massachusetts và Maine. Xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc của các công ty này đạt 40 triệu USD. Trung Quốc hiện nay chiếm 7,5% lượng tôm hùm XK của 2 vùng này,tăng 2,5% so với 2 năm trước đây.

Tôm hùm Bắc Đại Tây Dương có giá rẻ và hợp với khẩu vị người tiêu dùng nên người Trung Quốc ưa chuộng. Người Trung Quốc cũng tin rằng tôm hùm Bắc Đại Tây Dương tốt cho sức khỏe và không làm ô nhiễm môi trường.

Từ mức 8 triệu USD năm 2012, XK tôm hùm sang Trung Quốc của Maine đã tăng lên 20 triệu USD trong năm 2014.

Nga xem xét nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu thủy sản

Ngày 7/8/2014, Nga ban hành lệnh cấm NK thực phẩm từ Mỹ và các nước phương Tây trong vòng 1 năm. Hiện nay, chính phủ Nga đang xem xét việc nới lỏng lệnh cấm này đối với các nước EU.

Trước hết, Nga sẽ xem xét nới lỏng với 3 nước là Hy Lạp, Hungary, Cộng hòa Síp.

Cùng với lệnh cấm thì việc đồng rúp mất giá đã làm tỷ lệ lạm phát của Nga tăng lên đến 16,7%, mức cao nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. 

Nhập khẩu tôm và cá ngừ của Anh năm 2014

Năm 2014, Anh NK 82 nghìn tấn tôm, trị giá 973 triệu USD, giảm 6% về khối lượng, nhưng tăng 13% về giá trị, do giá trung bình tăng 20% so với năm 2013. Việt Nam là nguồn cung cấp tôm lớn thứ 4 cho thị trường Anh, chiếm 10%, đứng sau Canada (16%), Ấn Độ (14%) và Thái Lan (12%). NK tôm từ Việt Nam tăng mạnh 17% về khối lượng và 50% về giá trị, giá trung bình NK tăng 28%. Trong khi đó, NK từ Thái Lan giảm 50% về khối lượng và 31% về giá trị, giá trung bình tăng 38%.

Cũng năm này, NK cá ngừ vào Anh đạt gần 570 triệu USD, giảm 15% so với năm 2013. Trong đó, NK cá ngừ chế biến chiếm hơn 95% giá trị. Tuy nhiên, NK sản phẩm này giảm 7% về khối lượng và 16% về giá trị, giá trung bình giảm 9%. Việt Nam đứng thứ 13 trong số các nước cung cấp cá ngừ cho thị trường Anh, chiếm 1,2% thị phần. Mặc dù chiếm thị phần nhỏ, nhưng XK cá ngừ sang Anh tăng trưởng mạnh 62% về khối lượng và 76% về giá trị, giá trung bình tăng 9% so với năm 2013.

Na Uy: Giá cá tuyết tươi tăng so với 2014

Giá cá tuyết Na Uy tươi lại tăng sau 2 tuần giảm nhẹ. Cuối tháng 2, thời tiết không thuận lợi nhưng lượng cá cập cảng lớn nên giá cũng thấp hơn năm 2014. Nhưng đến tuần này giá đã tăng trở lại do thời tiết xấu ảnh hưởng đến việc đánh bắt. Cụ thể là giá đã tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.  

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 78.572 tấn cá cập cảng, chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2014. Giá cá tăng lên 16 NOK/kg và giá trung bình năm nay sẽ là 16,61 NOK, tăng so với mức 11,69 NOK/kg của năm ngoái.  

Doanh số thủy sản ướp lạnh tăng tại Anh

Theo số liệu của Kantar Worldpanel, doanh số thủy sản ướp lạnh tại Anh trong 12 tuần kết thúc vào ngày 01/3 tăng 2,1% đạt 402,3 triệu bảng do doanh số thủy sản có vỏ và các sản phẩm GTGT tăng.

Trong kỳ, doanh số thủy sản có vỏ tăng 13,8% đạt 51,9 triệu bảng Anh, trong khi các sản phẩm GTGT đạt 104,9 triệu bảng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

Khối lượng các sản phẩm GTGT cũng tăng từ 5% đạt 10.500 tấn và khối lượng thủy sản có vỏ tăng nhẹ 0,5% đạt 4.200 tấn.

Tại Anh, thủy sản ướp lạnh có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với thịt tươi ở Anh, khi doanh số các mặt hàng thịt gia cầm và thịt tươi sống giảm 2,8% xuống còn 1,47 tỉ bảng Anh.

Doanh số tất cả các mặt hàng – như thịt, cá, gia cầm, trừ các loại thịt nấu chín cắt lát – đều tăng trong kỳ.

Trong khi khối lượng thịt và thịt gia cầm chế biến dạng tươi bán ra có mức tăng mạnh nhất 3,1% đạt 148.400 tấn, khối lượng cá ướp lạnh tăng khiêm tốn 0,1% đạt 35.900 tấn.

Doanh số thủy sản tự nhiên đã giảm 3,4% đạt 136,2 triệu bảng Anh, với khối lượng cũng giảm theo tỷ lệ tương tự đạt 11.700 tấn.

Hòa Phạm

Nguồn: Vinanet Tổng hợp/Vasep