Xuất khẩu thủy sản Peru giảm mạnh kỷ lục

Theo báo cáo của Bộ Sản xuất Peru, tháng 1/2015, Peru XK 80.700 tấn thủy sản, đạt 188,7 triệu USD, giảm 62,8% về khối lượng và giảm 48,6% về giá trị so với cùng kỳ. Sự sụt giảm này chủ yếu là do bột cá và dầu cá giảm. Trong tháng 1/2015, Peru XK 48.000 tấn bột cá và dầu cá, giảm 73,9% so với cùng kỳ.

Trong tháng 1/2015, Peru XK 31.100 tấn thủy sản, giảm 5% so với cùng kỳ. Peru XK 27.100 tấn sản phẩm đông lạnh, giảm gần 2%. XK sang các thị trường chính là Tây Ban Nha, Pháp và Italia đạt 13.590 tấn.

Tháng 1/2015, Peru XK khoảng 2.000 tấn sản phẩm đóng hộp, giảm 36,8% so với cùng kỳ năm 2014. Các thị trường chính là Brazil, Uruguay, Colombia, Tây Ban Nha và Italia. Kim ngạch XK sản phẩm sang các thị trường này đạt 1.116 tấn.

Thủy sản Nhật Bản vẫn bị ảnh hưởng bởi phóng xạ Fukushima

Báo cáo mới đây của tổ chức môi trường Green Cross về thảm họa nhà máy nguyên tử hạt nhân Fukushima Daiichi vẫn khiến người ta lo ngại về độ an toàn của thủy sản do nồng độ phóng xạ có trong trong cá ngừ và các hải sản khác.

Phóng xạ bị phát tán từ nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi đang tập trung chủ yếu ở Nhật Bản và Thái Bình Dương.

Ước tính, 80% phóng xạ bị phát tán tập trung ở Thái Bình Dương và 20% còn lại chủ yếu bị phân tán trong vòng bán kính 50 km về phía tây bắc của nhà máy Daiichi ở quận Fukushima. Một lượng phóng xạ đã lan tới lục địa Bắc Mỹ, nhất là ở các khu vực bờ biển tây bắc của Mỹ.

Nguồn lợi 3 loài cá ngừ chính được cải thiện

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Phát triển Thủy sản Bền Vững (ISSF), nguồn lợi 3 loài cá ngừ chính trên thế giới đã được cải thiện.

Cá ngừ vây xanh phía đông Đại Tây Dương đã được phục hồi về mức dồi dào trong khi tỷ lệ khai thác cá ngừ vây xanh phía tây Đại Tây Dương và cá ngừ albacore Ấn Độ Dương cũng được cải thiện.

Mặc dù đã được cải thiện, vẫn có những bằng chứng cho thấy lạm thác vẫn tiếp tục diễn ra ở một số ngư trường, chủ yếu là cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương và cá ngừ mắt to ở Trung Tây Thái Bình Dương.

Báo cáo cũng chỉ ra sự tồn tại của 23 ngư trường của các loài cá ngừ thương mại chính trên toàn thế giới: 6 ngư trường cá ngừ albacore, 4 ngư trường cá ngừ mắt to, 4 ngư trường cá ngừ vây xanh, 5 ngư trường cá ngừ vằn và 4 ngư trường cá ngừ vây vàng.

Năm 2013, sản lượng khai thác các loài cá ngừ thương mại chính đạt 4,6 triệu tấn, trong đó cá ngừ vằn chiếm 58%, tiếp đó là cá ngừ vây vàng (27%), cá ngừ mắt to (9%) và cá ngừ albacore (6%). Bốn ngư trường cá ngừ vây xanh chiếm chỉ 1% sản lượng thế giới.

Sản lượng cá ngừ vằn ở trung Tây Thái Bình Dương đạt cao nhất trên 1,7 triệu tấn. Sản lượng cá ngừ albacore Địa Trung Hải chỉ đạt 1.400 tấn.

FAO: Nghề cá ở các khu vực nhiệt đới có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu

Theo một báo cáo mang tên “Hướng đến thủy sản bền vững và thương mại trong bối cảnh biến đổi khí hậu” của FAO, thủy sản ở các khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) của các khu vực nhiệt đới có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

Các loài thủy sản ở các khu vực này có thể di chuyển tới các vùng nước mát và xa bờ hơn, ảnh hưởng đến các ngư dân quy mô nhỏ sử dụng các phương pháp truyền thống.

Tuy nhiên, thông tin về biến đổi khí hậu không hoàn toàn tiêu cực đối với thương mại thủy sản. Mặc dù, các nước nhiệt đới phải đối mặt với khả năng các loài truyền thống và có giá trị thương mại sụt giảm 40% sản lượng, nhưng các khu vực có khí hậu ấm áp lại tăng khoảng 30-70% sản lượng.

Báo cáo cũng chỉ ra tình hình thực tế về sản lượng thủy sản và nuôi trồng thủy sản. Sản lượng thủy sản thế giới tăng khoảng 20 triệu tấn đạt 185 triệu tấn năm 2030, chủ yếu từ sự tăng trưởng nuôi trồng thủy sản.

Trong đó, nuôi trồng thủy sản đã tăng khoảng 8,3%/năm trong kỳ 1970-2010, trở thành ngành có sản lượng thực phẩm tăng nhanh nhất.

Vai trò của kinh tế cũng rất lớn. Năm 2012, khoảng 11-12% đân số thế giới phụ thuộc vào khai thác và nuôi trồng thủy sản cho sinh kế của mình.

Hòa Phạm

Nguồn: Vinanet Tổng hợp/Vasep