Eurocham cho rằng việc hạn chế nhập khẩu rượu sẽ ảnh hưởng xấu tới ngành rượu Việt Nam và vi phạm việc tuân thủ các quy định thương mại quốc tế.

Ông Alain Cany, chủ tịch phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) có công văn gửi 2 Bộ trưởng Tài chính và Công thương của Việt Nam phản đối quy định của Việt Nam về nhập khẩu rượu.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết, Bộ Công thương đã nhận được phản ánh này của Eurocham nhưng chưa thể thu xếp cuộc gặp để đối thoại. Sau khi có gặp gỡ, trao đổi, bộ Công thương sẽ công bố rộng rãi chứ không giấu diếm.

Eurocham cho rằng, việc hạn chế cảng thông quan có thể trái với quy định hạn chế số lượng theo các điều khoản của hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) năm 1994. Hạn chế này cũng có thể là rào cản kỹ thuật và có thể vi phạm các hiệp định về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại.

Cũng theo Eurocham, những hạn chế về cảng nhập khẩu theo cơ chế đãi ngộ đối với những hàng hóa có thể đang trong quá trình chuyển cảnh qua Việt Nam cũng không phù hợp với hiệp định GATT 1994.

Theo Eurocham, việc Việt Nam đơn phương đề xuất tăng thuế nhập khẩu lên mức tột khung của WTO/MFN có thể vi phạm các hiệp định song phương hiện hành. 

Cơ quan này cũng lưu ý rằng mức thuế suất ràng buộc theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam đối với rượu nhập khẩu là 45%. Thuế suất cho rượu đã được giảm từ 65% xuống 51% và bất kỳ việc tăng thuế nào cũng có thể vi phạm những cam kết về việc tuần tự giảm thuế.

Đề xuất kéo dài thời gian “cấp giấy chứng nhận đạt chất lượng nhập khẩu”, hạn chế vận chuyển hàng hóa nhằm mục đích hạn chế về thương mại quốc tế, theo Eurocham là vi phạm một số nghĩa vụ quốc tế bao gồm hiệp định về các biện pháp vệ sinh dịch tễ, hay hiệp định kỹ thuật và các hiệp định thương mại tự do (FTA) tương ứng. 

Về việc bộ Công thương đề xuất các nhà nhập khẩu phải dán nhãn hàng hóa trước khi xuất khẩu, theo Eurocham, sẽ rất khó thực hiện và tạo nên một rào cản thương mại.

 

Nguồn: Tin kinh tế hàng ngày