Vào lúc 15h57 ngày 1/9, giá cao su giao tháng 1/2016 trên sàn Tokyo (TOCOM) - cho biết giá săm lốp tại Đông Nam Á - giảm 0,1 yên xuống 173 yên/kg từ mức chốt phiên 31/8 là 173,1 yên/kg. Trong phiên ngày 31/8, giá cao su Tocom đã giảm 3,9 yên/kg.

Giá cao su tại hai thị trường lớn là Thượng Hải và Singapore cũng đồng loạt giảm nhẹ. Cụ thể, giá cao su giao tháng 1/2016 trên sàn Thượng Hải giảm 65 nhân dân tệ xuống 11.450 nhân dân tệ/tấn (1.799,47 USD/tấn). Giá cao su giao tháng 10/2015 trên sàn SICOM cũng giảm 0,8 cent Mỹ xuống 124 cent Mỹ/kg.

Đầu phiên 1/9, giá cao su tại Tokyo được hỗ trợ lớn bởi đà phục hồi của giá dầu. Tuy nhiên, mức tăng vẫn còn hạn chế do chỉ số Nikkei và thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh, theo chuyên gia phân tích Toshitaka Tazawa tại công ty Fujitomi.

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Nikkei giảm 3,8% và Shanghai Composite giảm 2% do giới đầu tư bán tháo cổ phiếu.

Một nguyên nhân khác khiến giá cao su tại châu Á vẫn chưa thể phục hồi là tình trạng suy yếu của kinh tế Trung Quốc. Theo số liệu của Markit Economics, chỉ số quản trị mua hàng sản xuất (PMI) tháng 8 của Trung Quốc đạt 49,7 điểm, thấp nhất 3 năm. Đáng chú ý là, ngành sản xuất của Trung Quốc tiếp tục suy giảm cùng với đà giảm chung của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu.

Ông Tazawa cho biết, giới đầu tư chưa thể lấy lại niềm tin vào giá cao su trước những bất ổn trên thị trường chứng khoán và kinh tế Trung Quốc. Kết quả là, giá cao su tại các thị trường lớn ở châu Á vẫn chưa thể phục hồi bền vững.

Tuy nhiên theo báo cáo về thị trường cao su tự nhiên thế giới và Trung Quốc (được công bố hôm nay), tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục tăng và đạt 6,8 triệu tấn năm 2018 trong khi sản lượng giảm do điều kiện thời tiết không thuận lợi.
 

Bảng giá cao su tại một số nước châu Á khác

Nguyễn Dung