Chốt phiên 6/10 tại Tokyo, giá săm lốp tại thị trường Đông Nam Á, tăng 3 yên lên 172,6 yên/kg từ mức chốt phiên 5/10 ở 169,6 yên/kg. Đây là phiên tăng giá thứ 5 liên tiếp của cao su.
Giá cao su tại Tokyo tiếp tục tăng nhờ đà phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Nhật Bản với Nikkei chốt phiên 6/10 tăng 1,7%. Mặt khác, yên cũng giảm 0,5% so với USD xuống 120,42 yên đổi 1 USD.
Giá cao su cũng được hỗ trợ bởi đà tăng của giá dầu thô sau khi Nga cho biết, Nga sẵn sàng đàm phán với các nước OPEC để đối phó với đà lao dốc của giá dầu.
Trong một diễn biến khác, Tân giám đốc điều hành Tập đoàn Cao su Quốc tế (IRCo) Samiah Ahmad cho biết, lượng cao su thiên nhiên lưu kho thấp hơn ước tính trong khi sản lượng giảm có thể gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Hiện nay, các nước thành viên IRCo hiện chiếm gần 70% tổng sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu.
Sản lượng cao su thiên nhiên đang giảm, nhất là tại Thái Lan và Ấn Độ, có thể dẫn đến tình trạng thiếu thụ cao su toàn cầu trong năm 2015, bà Samiah Ahmad nói. Cao su mất giá và nhu cầu ảm đạm cũng như điều kiện thời tiết không thuận lợi đã khiến sản lượng cao su thiên nhiên năm 2015 giảm xuống.
Trong tình hình này, bà Samiah Ahmad tỏ ra lạc quan về giá cao su và cho biết, giá có thể “từng bước tăng lên” trong thời gian còn lại của năm nay do kinh tế toàn cầu ổn định và những nỗ lực của Hiệp hội Các nước sản xuất Cao su Thiên nhiên (ANRPC) trong việc duy trì sản lượng không đổi hoặc giảm sản lượng.
Tuy nhiên, báo cáo hàng quý của The Rubber Economist lại có quan điểm “bi quan hơn” về giá cao su trong 2 năm tới do “tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và các nước châu Á-Thái Bình Dương chậm lại”.
Mặt khác, báo cáo mới đây của Toyota Motor cho biết, doanh số bán ra của ngành công nghiệp ô tô Thái Lan có thể giảm 15% trong năm 2015 và đánh dấu doanh số giảm năm thứ ba liên tiếp. Điều này có thể sẽ kéo giảm giá cao su trong phiên tới.
Bảng giá cao su trong nước ngày 6/10
Nguyễn Dung