Chốt phiên 23/7, giá dầu ngọt, nhẹ giao tháng 8 của Mỹ (WTI) giảm 74 cent, tương đương 1,5% xuống 48,45 USD/thùng trên sàn Nymex - mức thấp nhất kể từ ngày 31/3. Như vậy, giá dầu WTI đã giảm trong 17 trên tổng 21 phiên giao dịch gần đây, với mức giảm hơn 21% sau khi lên kỷ lục vào 1 tháng trước.

Giá dầu Brent cũng giảm 86 cent, tương đương 1,5% xuống 55,27 USD/thùng trên sàn ICE Futures Europe.

Dự trữ dầu thô tại Mỹ cũng như sản lượng dầu của các nước OPEC tăng mạnh đang dấy lên lo ngại rằng, thị trường sẽ rơi vào tình trạng nguồn cung dư thừa trong thời gian dài. Theo chuyên gia phân tích hàng hóa Thomas Pugh tại Capital Economics, nguồn cung dầu sẽ tiếp tục tăng trong năm 2016, gây áp lực lớn lên giá dầu thô toàn cầu.

Mới đây, Cơ quan cố vấn năng lượng ước tính, nguồn cung dầu toàn cầu đã tăng 690.000 thùng/ngày trong tháng 6, lên 95,08 triệu thùng/ngày. Trong đó, dầu chủ yếu đến từ các nước OPEC với sản lượng dầu của Saudi Arabia đang ở mức cao kỷ lục 10,6 triệu thùng/ngày.

Với suy nghĩ, giá dầu giảm chỉ là tạm thời, các nước OPEC hiện vẫn gia tăng sản xuất dầu với mục tiêu bảo vệ thị phần. Như vậy trong tương lai gần, sẽ không có thay đổi nào cả về giá cả lẫn nguồn cung dầu thô, theo nhận định của giới phân tích tại Commerzbank.

Ngoài dầu, xăng và dầu diesel cũng giảm giá. Giá xăng giảm 0,8% xuống 1,8521 USD/gallon - mức thấp nhất kể từ ngày 14/4 và giá dầu diesel giảm 1% xuống 1,6546 USD/gallon - mức thấp nhất kể từ ngày 29/1.

Nguyễn Dung
Theo WSJ