Giá gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 390-400 USD/tấn, so với 410 USD/tấn một tuần trước đây

Việt Nam chào bán giá 385-395 USD/tấn, so với 390-395 USD/tấn một tuần trước đây

Các nhà xuất khẩu đang trông chờ cuộc mở thầu của Philippine sẽ diễn ra hôm 15/4

(VINANET) – Giá gạo châu Á tuần này giảm, do nguồn cung dồi dào, nhất là từ Thái Lan, trong bối cảnh nhu cầu yếu.

Đang sở hữu lượng gạo dự trữ khổng lồ sau nhiều chương trình thu mua can thiệp kế tiếp, hồi đầu tháng Thái Lan thông báo đã bán được nhiều hơn mục tiêu 730.000 tấn từ kho dự trữ quốc gia.

Thái Lan đang rất nỗ lực bán gạo dự trữ để lấy tiền thanh toán nợ với nông dân. Chính việc cố gắng bán dù ở mức giá thấp của Thái Lan đã ảnh hưởng bất lợi tới giá gạo trên thị trường châu Á.

Gạo IR-THBKN5-P1 5% tấm của Thái Lan hôm 27/3 giá giảm xuống 390-400 USD/tấn, FOB, so với 410 USD/tấn một tuần trước đây.

Gạo Việt Nam cũng giảm giá bởi nguồn cung gia tăng, với gạo 5% tấm giá giảm xuống 385-395 USD/tấn, từ mức 390-395 USD/tấn một tuần trước đây.

“Giá giảm do nguồn cung tăng và Thái Lan bán gạo dự trữ. Tôi cho rằng nhu cầu 800.000 tấn từ Philippine cũng không đủ để đẩy giá tăng lên”, một thương gia ở Bangkok cho biết.

Hy vọng giành được hợp đồng bán gạo cho Philippine kết hợp với việc vẫn đang bán được gạo sang thị trường Trung Quốc đã hỗ trợ giá gạo chất lượng trung bình tăng trong tuần qua.

Giá gạo 25% tấm của Việt Nam hiện ở mức 365-375 USD/tấn, tăng nhẹ so với 360-370 USD/tấn một tuần trước đây.

Đồng bằng sông Cửu Long đang vào vụ thu hoạch cao điểm, song chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo của chính phủ đã hỗ trợ giá gạo Việt Nam vững. Chương trình này có mục tiêu mua 2 triệu tấn lúa.

Sản lượng vụ Đông – Xuân của Việt Nam ước tăng 3% so với cùng vụ năm ngoái, lên gần 11 triệu tấn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.250 – 5.350 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.550 – 5.650 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.050 – 7.150 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.700 – 6.800 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.750 – 7.850 đồng/kg, gạo 15% tấm 7.500 – 7.600 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.250 – 7.350 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.

Với chính sách xuất khẩu gạo dự trữ, Thái Lan đã lấy lại được ngôi vị nước xuất khẩu lớn nhất thế giới ngay vào đầu năm 2014, khi xuất khẩu được 1,5 triệu tấn gạo trong 2 tháng đầu năm, theo thông tin từ Thông tấn xã Thái Lan. Con số này cao hơn hẳn so với Ấn Độ và Việt Nam.

Xuất khẩu gạo Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2013 đạt 1,31 triệu tấn, trị giá 616 triệu USD, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines có sự tăng trưởng đột biến trong 2 tháng đầu năm với mức tăng gấp 7 lần về khối lượng và tăng 7,7 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Với mức tăng trưởng này, Philippines vươn lên vị trí đứng đầu về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 46,95% thị phần. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc và Hồng Kông, chiếm thị phần lần lượt là 23,91% và 3,8%.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), dự báo sản lượng gạo thương mại của Việt Nam năm 2014 khoảng 8 triệu tấn, VFA sẽ nỗ lực tối đa để xuất khẩu 7 triệu tấn, còn lại xuất khẩu tiểu ngạch và tiêu thụ bằng các nguồn khác, phấn đấu cũng sẽ tiêu thụ hết.

Thị trường hiện đang theo dõi sát kế hoạch nhập khẩu gạo qua cuộc đấu thầu mở của Philippine sẽ diễn ra hôm 15/4. Philippine mua gạo để dự trữ vào nửa cuối năm, khi sản lượng trong nước ở mức thấp.

Nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam và Thái Lan sẽ cùng tham gia cuộc đấu thầu này.

Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), Chukiat Opaswong, lo ngại Việt Nam có thể sẽ giảm giá gạo để giành được hợp đồng xuất khẩu gạo sang Philippine, và Việt Nam có khả năng sẽ thắng trong phiên đấu giá này bởi vì, nước này có quan hệ thương mại vững chắc với Philippines trong vòng 3-4 năm qua.

Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp Thái Lan (OAE) ảnh báo giá gạo của nước này có thể sẽ giảm trong thời gian từ tháng Tư đến tháng Năm năm nay sau khi chương trình trợ giá lúa gạo kết thúc và gạo Việt Nam thâm nhập vào thị trường.

Tổng Thư ký OAE Khanit Likhitwithayawut cho biết giá gạo Thái liên tục giảm kể từ đầu năm nay do Chính phủ ngừng thực hiện chương trình trợ giá lúa gạo. Việc Chính phủ Thái Lan bán tháo gạo; sự thâm nhập của gạo Việt Nam và chất lượng gạo tháng Hai của Thái Lan thấp hơn là những yếu tố khiến giá gạo sụt giảm. Xét theo mặt tích cực, giá gạo giảm cũng có thể coi là điều kiện thúc đẩy tính cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Thái Lan.

T.Hải

Nguồn: Vinanet/Reuters