Giá gạo Thái Lan vững sau khi hồi phục tuần qua

Các nước châu Phi mua gạo Thái với khối lượng nhỏ

Thời tiết lạnh làm chậm việc thu hoạch lúa ở Việt Nam

Xuất khẩu gạo Việt Nam 2 tháng đầu năm giảm 6,3%

(VINANET) – Giá gạo châu Á vững trong tuần này, được hỗ trợ bởi nhu cầu mới từ  châu Phi, Trung Quốc và Malaysia, khi nguồn cung lúa vụ mới sắp tăng nhiều ở Thái Lan và Việt Nam – dự kiến sẽ bội thu.

Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và Việt Nam năm 2013, các nhà xuất khẩu gạo đang bốc xếp hàng để chở sang các nước châu Phi, trong đó có Nigeria, Togo và Ghana theo những hợp đồng nhỏ đã ký tuần trước.

Trung Quốc – đã hủy hợp đồn mua 400.000 tấn gạo Thái hồi đầu tháng do cuộc điều tra chống tham nhũng ở quốc gia Đông Nam Á này, có thể sẽ ký một hợp đồng mới vào tháng 3 tới, một quan chức chính phủ Thái Lan cho biết.

Ngoài ra, Malaysia cũng đang tìm mua 300.000 tấn gạo và nguồn cung có thể sẽ lựa chọn từ Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan, báo chí nước này cho biết.

Sài gòn tiếp thị online dẫn lời chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Trương Thanh Phong cho biết: “Cách nay hơn một tuần, Chính phủ Malaysia mời bốn nước gồm Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan để chào giá cung cấp cho họ 300.000 tấn gạo trắng. Đây là hợp đồng mở, không thông qua đấu thầu mà chỉ dựa trên giá chào bán. Nước nào chào thấp thì họ mua. Và gần như chắc chắn, Thái Lan đã dành được hợp đồng này với giá chào chỉ có 380 USD/tấn, thấp hơn khá nhiều so với ba nước còn lại”.

Gạo 5% tấm của Thái Lan giá tăng 14% trong giai đoạn 14-21/2, từ mức 430-440 USD/tấn lên 435 – 440 USD/tấn, FOB, và vững ở mức 430- 440 USD/tấn từ đó tới nay.

Tại Việt Nam, lượng tồn trữ trong nước thấp cộng với việc Trung Quốc mua vào và thực hiện hợp đồng với Philippine giữ giá gạo vững mặc dù dự báo vụ thu hoạch hiện nay sẽ cao điểm vào giữa tháng 3.

“Trung Quốc đang tích cực mua gạo qua đường tiểu ngạch, do vậy dự báo giá gạo sẽ khong giảm”, một thương gia của một công ty ở TP HCM cho biết.

Gạo 5% tấm đã tăng giá lên 380- 400 USD/tấn, FOB, từ mức 380- 395 USD/tấn một tuần trước đây.

Hiện vẫn chưa rõ Trung Quốc sẽ nhập khẩu bao nhiêu gạo Việt Nam trong năm 2014. Reuters dẫn số liệu của chính phủ cho biết, năm ngoái, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Việt Nam khi mua 3,6 triệu tấn, chiếm hơn 40% tổng xuất khẩu của Việt Nam.

 

Thời tiết lạnh hơn bình thường hồi đầu tháng 2 đã ảnh hưởng tới lúa vụ đông – xuân ở khu vực ĐBSCL, và giai đoạn thu hoạch cao điểm do vậy sẽ bị chậm lại 2 tuần, rơi vào giữa tháng 3.

Việt Nam sẽ bốc xếp gạo cho Philippine tới giữa tháng 3 theo hợp đồng 300.000 tấn ký hồi tháng 11 năm ngoái.

Xuất khẩu gạo Việt Nam 2 tháng đầu năm 2013 giảm 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 479.000 tấn. Tuy nhiên con số này vẫn cao hơn mức 702.000 tấn mà Bộ Nông nghiệp ước tính ban đầu.

Các thông tin liên quan

Thái Lan: Chính phủ có 615 triệu USD trái phiếu để trả nợ người trồng lúa

Ngày 25/2, Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) đã thông qua đề nghị của chính phủ tạm quyền nước này về việc sử dụng 712 triệu baht (gần 22 triệu USD) trích từ Quỹ Trung ương để thanh toán tiền cho nông dân theo chương trình trợ giá gạo.

Theo chương trình trợ giá gạo, Chính phủ Thái Lan đã bắt đầu mua gạo của nông dân với giá cao hơn giá thị trường từ năm 2011 nhằm tăng thu nhập cho nông dân, thực hiện lời hứa khi tranh cử của đảng Vì nước Thái.

Hiện, chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Yingluck đang nợ 130 tỷ baht (4 tỷ USD) phải trả cho khoảng một triệu nông dân trên cả nước.

Tính tới 24/2, chính phủ Thái đã mua 11,02 triệu tấn gạo từ vụ chính niên vụ 2013/14, trị giá 185 tỷ baht.

Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông thôn Thái Lan (BAAC) phải thanh toán tiền cho những người trồng lúa bởi họ đã bán gạo cho chính phủ theo chương trình tạm trữ từ nhiều tháng nay.

Ngân hàng đã thanh toán 69,5 tỷ baht trong số nợ, và còn nợ khoảng một triệu nông dân trên cả nước  130 tỷ baht (4 tỷ USD)

Theo bà Yingluck, do chính phủ hiện đang ở tình trạng tạm quyền nên không huy động được tiền thanh toán cho nông dân.

Việc chậm trễ trong thanh toán tiền mua gạo theo chương trình trên đã khiến nông dân Thái Lan bất bình và xuống đường biểu tình.

Việt Nam: Khuyến khích mở rộng các giống lúa chịu mặn, phèn

Trước tình hình nước mặn xâm nhập ngày càng sâu và phèn gây bất lợi cho sản xuất lúa hiện nay, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long đang khuyến khích nông dân trong vùng mở rộng trồng các giống lúa chịu phèn, mặn, trong đó có giống OM 7262 do Viện lai tạo.

Đây là giống lúa thuần, được sản xuất thử thành công tại Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ và miền Trung từ năm 2010, có đặc tính chịu phèn, mặn, năng suất cao ổn định, chất lượng gạo tốt, chống chịu sâu bệnh mạnh.

T.Hải
Nguồn:Vinanet/Reuters, TTXVN