Tuần qua từ 9-13/3/2009, giá gạo xuất khẩu của nước ta đã giảm nhẹ sau nhiều tuần tăng liên tiếp, cụ thể: gạo 5% tấm đang giao dịch ở mức 435-460 USD/T (FOB), giảm trung bình 20 USD/T, còn gạo 25% tấm vẫn ổn định ở mức 400 USD/T.
Trong khi đó, tại nước xuất khẩu gạo lớn nhất Thái Lan, giá gạo xuất khẩu của nước này vẫn vững ở mức cao, gạo 5% tấm đang chào bán với giá 570 USD/T (FOB). Hiện Thái Lan bắt đầu chương trình can thiệp giá mới, điều này sẽ khiến giá xuất khẩu có thể tăng lên 580-600 USD/T do Chính phủ nước này chưa chắc sẽ trả giá mua thóc của nông dân ở mức dưới 12.000 Baht/tấn (tương đương với giá gạo xuất khẩu khoảng 580-600 USD/T) như ở chương trình thu mua vừa kết thúc trong tháng 2. Đề xuất này nhằm để hỗ trợ nông dân nhưng sẽ khiến giá gạo nước này khó có thể cạnh tranh được với giá gạo Việt Nam, do vậy các nhà xuất khẩu đang đề nghị Chính phủ Thái áp giá thu mua ở mức 10.000 Baht/tấn thóc.
Mặc dù Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) ước tính sản lượng gạo toàn cầu năm 2008 tăng 1,8%, thêm khoảng 12 triệu tấn, làm gia tăng nguồn cung gạo tại một số quốc gia nhưng giá gạo trong năm 2009 có nhiều cơ hội tăng trở lại. Viện Nghiên cứu Gạo Quốc tế (IRRI) và FAO cho rằng việc các nước sản xuất gạo chủ chốt hạn chế xuất khẩu và dân số gia tăng sẽ khiến cho thị trường gạo toàn cầu khan hiếm nguồn cung.
Trong đó, IRRI còn dự báo tiêu thụ gạo trên toàn cầu sẽ tăng thêm 18 triệu tấn trong niên vụ 2008/09 do dân số toàn cầu tiếp tục tăng mạnh và số người nghèo đói ở các quốc gia châu Phi không ngừng gia tăng.
Hơn nữa việc người dân tại các nước đang phát triển ngày càng có xu hướng quay sang gạo để thay thế các thực phẩm đắt đỏ hơn như rau quả và thịt. Cộng với việc chi phí sản xuất cao và diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp sẽ khiến thị trường gạo thế giới lầm vào cảnh khan hiếm vào khoảng cuối năm 2009.

Nguồn: Vinanet