Tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đang phát triển rất nhanh. Họ muốn dành những điều kiện chăm sóc tốt nhất cho con cái mình. Và nhờ vậy, nhu cầu sữa càng tăng mạnh. Không chỉ có thế, người lớn cũng ngày càng ưa chuộng sữa và những sản phẩm sữa, như pho mát, bơ, sữa chua…Thu nhập bình quân của người trung lưu ở Trung Quốc hiện khoảng 5.000 USD/người/năm, giúp họ dễ dàng thoả mãn nhu cầu mua sắm những thực phẩm chất lượng tốt hơn, như sữa, bột mì các sản phẩm bột mì….
Các nhà phân tích dự báo trong những năm tới, nhu cầu sữa ở Trung Quốc tăng rất mạnh, được khích lệ bởi thu nhập của người dân tăng nhanh. Tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc hiện khoảng 250 triệu người, dự báo sẽ lên đến 600 triệu vào 2020.
Trung Quốc chỉ là một ví dụ điển hình. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao khiến người dân nhiều nước châu Á, châu Mỹ La tinh và thậm chí là ở Trung Đông thoát khỏi cảnh nghèo đói, làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ những sản phẩm mà trước đây họ không dám mua, như sữa.
Trước nhu cầu ngày càng lớn, mức cung hiện nay không đáp ứng kịp. Theo tính toán của các chuyên gia, nhu cầu sữa trên toàn cầu mỗi năm tăng thêm 15 triệu tấn, tức bằng tổng lượng sữa và chế phẩm từ sữa mà New Zealand sản xuất hằng năm. New Zealand là nước xuất khẩu sản phẩm sữa và chế phẩm từ sữa lớn nhất thế giới với 12,7 triệu tấn/năm, bằng lượng sữa xuất khẩu của toàn châu Âu.
Trước đây, thế giới có thể trông đợi vào Mỹ hay châu Âu để khỏa lấp sự thiếu hụt sữa nhưng giờ đây chính nước Mỹ cũng lâm vào tình trạng thiếu hụt còn châu Âu thì đã đánh mất sức mạnh của mình khi lộ trình 15 năm cắt giảm các trợ cấp hay trợ giá đối với nông dân và những nhà sản xuất sữa đã kết thúc. Từ năm 2008 nguồn cung sữa từ châu Âu bắt đầu giảm sút vì các nhà sản xuất không mấy mặn mà với hoạt động này khi không còn trợ cấp cho họ như trước nữa.
Hai nước xuất khẩu sữa hàng đầu thế giới là New Zealand và EU đều khó lòng có thể tăng sản lượng sữa. Sản lượng của Áchentina năm qua rất kém, New Zealand thì đang bị hạn hán, còn Liên minh châu Âu (EU) bị kiềm chế bởi hạn ngạch. Như vậy, gần như tất cả các nước sản xuất sữa lớn đều không thể tăng nguồn cung.
Trữ lượng sữa của thế giới gần như đang trống rỗng. Australia thậm chí còn lo ngại rằng họ sẽ không còn đủ sản lượng để cung cấp cho thị trường nội địa chứ chưa nói gì đến xuất khẩu. Thức ăn dành cho gia súc ở Australia ít đi. Mấy năm nay nước này rơi vào tình trạng hạn hán, thiếu cỏ cho bò sữa ăn, ảnh hưởng nặng đến ngành sản xuất sữa. Sản lượng sữa của Australia đã giảm mạnh từ mức đỉnh cao 11,1 tỷ lít năm 2001/02 xuống chỉ khoảng 9,1 tỷ lít năm 2007/08. Một số nhà khoa học cho rằng hiện tượng hạn hán này sẽ còn kéo dài vì là hậu quả của tình trạng khí hậu trái đất nóng lên. Cho nên, nước Australia khó lòng sản xuất sữa được nhiều như trước. Trong khi đó ở Ấn Độ, lũ lụt lại là nguyên nhân làm tăng giá sữa. Ấn Độ là quốc gia sản xuất sữa (bò và trâu) và chế phẩm từ sữa số hai thế giới với 101,4 triệu tấn/năm nhưng chỉ xuất 0,7 triệu tấn.
Sức nóng của thị trường sữa thế giới đã lan sang thị trường sữa Việt Nam. Ngay trong những tháng đầu năm, giá các sản phẩm sữa trên thị trường liên tục tăng. Tính từ đầu năm tới nay, giá sữa trên thị trường trong nước đã tăng khoảng 15-20%. Việc tăng giá này ảnh hưởng khá lớn đối với người tiêu dùng, nhất là những gia đình có con nhỏ. Vậy mà triển vọng giá mặt hàng này sẽ còn cao, bởi ngoài những nguyên nhân như nguồn cung sữa thế giới suy giảm và nhu cầu cao như đã nói ở trên, yếu tố giá xăng dầu tăng cũng sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn.
 
 

Nguồn: Vinanet