Theo trưởng phòng pháp lý và đối ngoại của Dutch Lady VN (DLV), cho biết đợt tăng giá bán dòng sữa Friso Gold 1, 2, 3, 4 dành cho trẻ và cả Friso Mum dành cho bà mẹ ngày 1-9 vừa qua thực chất chỉ là “giai đoạn 2” của kế hoạch điều chỉnh giá bán đã được DLV thực hiện một nửa cách đây vài tháng. Thay vì tăng giá một lần vào thời điểm 1-7 thì DLV chỉ tăng một nửa và bây giờ tăng tiếp phần còn lại. So với giá bán thời điểm 1-7, hiện Friso Gold 1 giữ mức 173.000 đồng/lon/400g, tăng 15.500 đồng/lon, và tăng 31.500 đồng đối với loại 900g, giữ mức 346.500 đồng/lon.

Trong khi DLV tăng giá bán sữa thì giá nguyên liệu sữa nhập khẩu lại giảm mạnh, hiện chỉ còn 3.100-3.500 USD/tấn đối với nguồn nhập khẩu từ Úc hoặc 3.100-3.250 USD/tấn đối với nguồn nhập từ châu Âu, giảm hơn 250 USD/tấn so với tháng trước và giảm hơn 1.100 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Một người có kinh nghiệm lâu năm về ngành sữa cho biết dù Friso được tăng giá làm hai lần để “chia sẻ gánh nặng với người tiêu dùng”, nhưng nếu xét về mặt bằng giá chung trên thị trường thì dòng sữa Friso của DLV lại đang dẫn đầu top sản phẩm sữa có giá đắt nhất hiện nay.

Do giá nguyên liệu liên tục giảm nên các hãng sữa khi điều chỉnh giá bán đều phải nghĩ ra một lý do nào đấy cho hợp lý. Nếu Dumex thay đổi mẫu hộp, thiết kế thêm chỗ để muỗng múc sữa và... tăng 4-5% giá bán thì Abbot lại chọn hình thức tung ra sản phẩm mới với việc công bố bổ sung dưỡng chất và cũng tăng giá thêm 10-15% so với trước.

Tuy nhiên, theo giới kinh doanh trong ngành, ngay cả khi có sự thay đổi về kiểu dáng bên ngoài thì chi phí thực hiện vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức điều chỉnh tăng giá bán ít nhất 5-7%. Riêng các hãng sữa cũng dựa vào sự chi phối thị phần của từng dòng sản phẩm để “làm giá” với người tiêu dùng, bởi họ biết chắc người tiêu dùng bị lệ thuộc vào sản phẩm đã mua.

(TTO)

Nguồn: Vinanet