(VINANET) - Lẽ ra giá xăng dầu đã được điều chỉnh vào ngày 28/4, tuy nhiên, do ngày này rơi vào giữa kỳ nghỉ của người lao động nên ngày điều chỉnh được chuyển xuống ngày 4/5.

Việc tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng một lít xăng vào 1/5 không khiến giá xăng tăng do trước đó Bộ Tài chính đã giảm thuế nhập khẩu xăng dầu từ 35% xuống 20 % từ ngày 14/4. Thuế nhập khẩu trên mỗi lít xăng giảm còn lớn hơn mức tăng thuế bảo vệ môi trường nếu giá thế giới cứ tiếp tục tăng như hiện nay.

Trong vòng 15 ngày tính tới 4/5, giá xăng RON 92 trên thị trường thế giới bình quân đạt 77,67 USD một thùng, tăng 14% so với kỳ liền trước. Với thuế nhập khẩu 20% và thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng một lít, giá xăng cơ sở là 20.673 đồng một lít.

Sau khi tăng xả quỹ bình ổn, hôm 5/5 Liên bộ Tài chính Công Thương đã đồng ý cho tăng giá xăng bán lẻ trong nước với mức kỷ lục gần 2.000 đồng, tương đương 10 – 11% lên 19.230 đồng.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết quyết định được Liên bộ Công Thương - Tài chính đưa ra sau nhiều lần "nhấc lên hạ xuống" và báo cáo Chính phủ (do giá biến động hơn 7%), liên bộ phải cho phép tăng sử dụng quỹ bình ổn thêm 446 đồng mỗi lít nếu không giá xăng có thể phải tăng đến 3.300 đồng. Như vậy mức xả quỹ bình ổn cho mỗi lít xăng là 1.437 đồng/lít.

Với mặt hàng dầu - ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, cơ quan điều hành quyết định không điều chỉnh tăng giá bán mà sử dụng triệt để công cụ giảm thuế nhập khẩu dầu diesel từ 20% xuống 13% và tăng mức sử dụng Quỹ bình ổn từ 188 đồng lên 322 đồng để giữ giá bán mặt hàng này.

Việc điều hành giá xăng dầu vừa qua còn góp phần giảm bớt tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới do giá trong nước thấp hơn các nước láng giềng. Hiện giá bán lẻ xăng dầu của các nước trong khu vực có chung đường biên giới với Việt Nam vẫn cao hơn từ 100 – 4.200 đồng/lít. Đơn cử, giá xăng bán lẻ tại thị trường Campuchia ngày 2/5/2014 là 23.545 đồng/lít; Trung Quốc là 19.472 đồng/lít, Lào là 22.568 đồng/lít.

H. Lan
Nguồn: Vinanet tổng hợp