(VINANET) - Giá hàng hoá trên thị trường thế giới tăng mạnh trở lại từ giữa năm 2010, sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng nợ ở Châu Âu và sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo chương trình Nới lỏng định lượng theo đó họ sẽ mua lại 600 tỷ trái phiếu kho bạc, một hành động sẽ làm gia tăng mạnh cung tiền và khiến cho đồng USD càng mất giá mạnh trên phạm vi toàn cầu.

Thị trường hàng hoá thế giới lúc này vẫn luôn trong tình trạng cung không đáp ứng đủ nhu cầu, kể cả hàng hoá cứng và hàng hoá mềm.

Trong những ngày này các nhà đầu tư không cần tìm tới Châu Á hay những thị trường mới nổi khác mà vẫn có lãi. Mỗi ngày mới là những kỷ lục giá mới trên các thị trường hàng hoá, và mặc dù hầu hết các chuyên gia nhất trí rằng xu hướng giá liên tục tăng hiện nay khó có thể duy trì lâu dài, song việc giá giảm trong mấy ngày trở lạ đây không chứng tỏ rằng đã có sự điều “điều chỉnh” triển vọng ở hầu hết các thị trường.

Kinh tế toàn cầu đang chuẩn bị cho một giai đoạn tăng trưởng mới, áp lực lên giá hàng hoá sẽ càng mạnh lên. Nhiều yếu tố đang cùng lúc tác động lên thị trường hàng hoá: sản lượng không đủ, việc cung cấp gặp khó khăn, kiểm soát giá cả, dân số và thu nhập tăng…Cung sẽ phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu, và sự thiếu hụt sẽ khiến cho thị trường thêm căng thẳng.

Mặc dù việc giá liên tục tăng sẽ ít nhiều có ảnh hưởng tới những triển vọng tương lai của những thị trường này, nhưng dự báo giá hàng hoá sẽ còn tiếp tục ở mức cao như hiện nay, thậm chí sẽ còn tăng hơn nữa.

Chiến sự ở Trung Đông và thảm hoạ kép ở Nhật Bản không phải là yếu tố cơ bản có ảnh hưởng lâu dài tới thị trường.

(Thu Hải)