* Động đất tại Nhật Bản ảnh hưởng tới triển vọng giá dầu ngắn hạn
    * Vấn đề điện nguyên tử đẩy tăng nhu cầu khí thiên nhiên
    * Vàng tiếp tục là nơi trú ẩn an toàn

(VINANET) - Đa số hàng hoá trên thị trường thế giới tiếp tục giảm giá mạnh, nhất là dầu mỏ, cao su và đồng. Trong khi đó, vàng và khí thiên nhiên tiếp tục tăng giá. Dư chấn của trận động đất và sóng thần ở Nhật tiếp tục ảnh hưởng tới thị trường hàng hoá toàn cầu.

Theo nguồn tin Reuters, giá dầu Brent giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần rưỡi nay trước khi hồi phục nhẹ, trong khi vàng tiếp tục tăng giá bởi các nhà đầu tư lo ngại về ảnh hưởng của động đất và căng thẳng ở Trung Đông nên tìm tới vàng để trú ẩn an toàn.

Giá khí thiên nhiên kỳ hạn trên thị trường Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục 2 tuần nay bởi dự báo Nhật Bản sẽ phải tìm tới những nguồn năng lượng thay thế điện nguyên tử sau trận động đất và sóng thần lớn nhất trong lịch sử nước này.

Dầu mỏ chịu sức ép giảm giá bởi dự báo nhu cầu giảm từ các nhà máy lọc dầu của Nhật và tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Dầu Brent tại London có lúc giá giảm 2,4% xuống 111,16 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ 25/2/2011, trước hồi phục nhẹ vào lúc đóng cửa, chốt ở mức 113,74 USD/thùng. Lo ngại căng thẳng gia tăng ở Arập Xêút – nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới – đang ngăn giá dầu giảm mạnh.

Taị New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 4/2011 giảm 1,33 USD xuống 99,83 USD/thùng.

Chen Xin Yi, nhà phân tích hàng hóa của Barclays Capital, nhận định nhu cầu dầu mỏ trong ngắn hạn có thể giảm, do ảnh hưởng của trận động đất và sóng thần tại "xứ sở Phù tang," song trong thời gian tới giá dầu có thể được hỗ trợ bởi nhu cầu nhập khẩu xăng dầu tăng lên, do thiếu điện từ các lò phản ứng hạt nhân.

Tuần trước, ngay sau khi có thông tin về trận động đất mạnh 8,9 độ Richter và tiếp đến là đợt sóng thần cao 10m ập vào vùng bờ biển Đông Bắc Nhật Bản, "vàng đen" đã ngay lập tức giảm giá, do các nhà giao dịch lo ngại thảm họa này sẽ làm giảm sức tiêu thụ dầu mỏ của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Hiện nay, 3 trong số 5 nhà máy lọc dầu lớn nhất của Nhật Bản đã ngừng hoạt động, yếu tố tác động xấu đến nhu cầu dầu thô của nước này. Không chỉ là quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới, Nhật Bản còn là nước nhập khẩu ròng dầu mỏ lớn thứ 2 toàn cầu.

Trong khi đó, các nhà đầu tư vẫn giữ tâm trạng lo lắng về tình hình chiến sự căng thẳng tại Libya, vốn là quốc gia thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Qatar, Mohammed Saleh al-Sada, cho rằng sản lượng dầu mỏ thế giới vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu, bất chấp tình trạng bất ổn tại Libya.

Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trước khi xảy ra bạo động, Libya sản xuất 1,69 triệu thùng dầu/ngày, trong đó, 1,2 triệu thùng chủ yếu được xuất khẩu sang châu Âu, ngoài ra Trung Quốc và Mỹ cũng là những khách hàng lớn của quốc gia châu Phi này.

Cao su thiên nhiên giảm giá mạnh, với hợp đồng kỳ hạn tháng 8 giá giảm 39,7 Yen vào phiên mở cửa sáng 15/3/2011, hay giảm 10%, so với mức 384,1 Yen/kg lúc đóng cửa phiên giao dịch 14/3.

Nhu cầu từ Nhật Bản dự báo sẽ giảm mạnh bởi các hãng sản xuất như Toyota Motor Co. phải tạm dừng sản xuất tới 16/3/2011.

Căng thẳng gia tăng khiến các nhà đầu tư lại tập trung chú ý vào vàng, đẩy giá vàng giao ngay tăng 0,6% trong phiên giao dịch 14/3 lên 1425,70 USD/ounce, chỉ thấp hơn 1,7% so với mức cao kỷ lục của tuần trước là 1.444,40 USD/ounce. Giá vàng thỏi tại Tokyo lập mức kỷ lục cao của 1 tháng.

Giá đồng – thứ kim loại được sử dụng phổ biến trong ngành sản xuất đồ điện và điện tử - và platinum – sử dụng trong sản xuất bộ xúc tác ở ô tô – giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần 1 tháng bởi nhiều hãng sản xuất của Nhật như Toyota và Sony phải tạm dừng việc sản xuất trong nước.

Trên thị trường hàng hoá nhẹ, giá đường và cacao tại Mỹ tiếp tục chịu ảnh hưởng xấu từ tin động đất và sóng thần. Đường giảm giá 3,7% xuống 27,90 US cent/lb, trong khi cacao giảm 0,7% xuống 3.358 USD/tấn.

Giá ngũ cốc giảm trong phiên giao dịch buổi sáng, nhưng ngô, đậu tương và lúa mì hồi phục giá vào lúc đóng cửa.

Giá hàng hoá thế giới ngày 14/3/2011:

Hàng hoá

ĐVT

Giá 14/3/11

+/- so với 11/3

+/- so với 11/3 (%)

So với 14/3/2010

Dầu thô

USD/thùng

 101,05

-0,11

-0,1%

 10,6%

Dầu brent

USD/thùng

113,86

 0,02

 0,0%

 20,2%

Khí đốt thiên nhiên

USD/galon

3,927

0,038

 1,0%

-10,9%

Vàng giao ngay

USD/ounce

1425,60

 3,80

 0,3%

0,3%

Vàng kỳ hạn

USD/ounce

1424,65

 6,95

 0,5%

0,4%

Đồng Comex

Cent/lb

 419,10

-1,65

-0,4%

 -5,8%

Đồng LME

USD/tấn

 9220,00

30,00

 0,3%

 -4,0%

Dollar

 

 76,367

 -0,409

-0,5%

 -3,4%

CRB

 

350,580

 -1,300

-0,4%

5,3%

Ngô

Cent/bushel

663,50

 4,25

 0,6%

5,5%

Đậu tương

Cent/bushel

 1328,00

 1,50

 0,1%

 -4,7%

Lúa mì

Cent/bushel

699,50

 4,50

 0,7%

-11,9%

Cà phê

Cent/lb

 274,40

-1,10

-0,4%

 14,1%

Ca cao

USD/tấn

3358,00

 -23,00

-0,7%

 10,6%

Đường

Cent/lb

27,90

-1,07

-3,7%

-13,1%

Bạc

USD/ounce

 35,925

 -0,010

 0,0%

 16,1%

Bạch kim

USD/ounce

1752,90

 -28,80

-1,6%

 -1,4%

Palađi

USD/ounce

 747,20

 -18,30

-2,4%

 -7,0%

(Thu Hải – Theo Reuters)