(VINANET) – Hàng hóa thế giới biến động mạnh, với đồng và các kim loại khác giảm sau khi các bộ trưởng tài chính hôm qua hoãn khoản cho vay khẩn cấp dành cho Hy Lạp.
Dầu biến động trái chiều giữa 2 thị trường lớn, trong khi vàng tăng trong bối cảnh triển vọng kinh tế mờ mịt.
Chỉ số giá 19 nguyên liệu CRB Reuters-Jefferies kết thúc phiên giao dịch rạng sáng nay tăng 0,15% lên 336,99.
Các bộ trưởng tài chính khu vực đồng Euro đã hoãn quyết định về khoản vay 12 tỷ euro cho Hy Lạp cho tới khi nước này đưa ra thêm các điều kiện thắt lưng buộc bụng mới, và cho biết có thể đợt cuối của khoản tiền 110 tỷ euro cho vay chung giữa EU và IMF sẽ được cấp vào giữa tháng Bảy.
Tuy nhiên, điều này sẽ phụ thuộc vào việc Quốc hội Hy Lạp thông qua chương trình cắt giảm chi tiêu và cải cách kinh tế tổng trị giá 28 tỷ euro như thế nào.
Các bộ trưởng cũng quyết tâm đưa ra một gói trợ giúp thứ hai nhằm hỗ trợ kinh tế Hy Lạp trong những năm tới.
Chính phủ Hy Lạp trông đợi gói thứ hai này quy mô tương đương gói thứ nhất. Athens nói cần tiền trước tháng Bảy nếu không sẽ vỡ nợ.
Sự không chắc chắn về kinh tế thế giới, nhất là về gói cứu trợ dành cho Hy Lạp, đã gây tâm lý xấu trong gần suốt phiên giao dịch vừa qua, bởi ai cũng lo ngại về ảnh hưởng của nó đối với tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.
Dầu thô ngọt nhẹ tại New York tăng nhẹ lên 93,26 USD/thùng vào rạng sáng nay, và tiếp tục lên 94 USD/thùng vài giờ sau đó.
Trái lại dầu Brent tại London giảm xuống 111,69 USD/thùng.
Vàng giao rạng sáng nay tăng lên 1539,70 USD/ounce, tiếp tục tăng lên 1.541,35 USD chỉ vài giờ sau đó.
Đồng giảm giá mạnh bởi các nhà đầu tư lo ngại nhu cầu sẽ giảm khi kinh tế thế giới hồi phục chậm.
Đường thô tăng giá mạnh lên mức cao kỷ lục 2 tháng rưỡi do người tiêu dùng tích cực mua trước tháng lễ hội Hồi giáo Ramadan. Tuy nhiên cà phê giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ đầu 2011 do hoạt động bán tháo.
Lúa mì Mỹ giảm khá mạnh trong phiên vừa qua xuống mức thấp nhất 6 tháng rưỡi nhờ các báo cáo cho thấy sản lượng của Mỹ sẽ khả quan sau khi thời tiết được cải thiện. Tuy nhiên ngô và đậu tương tăng giá nhờ hoạt động mua bù.
Mặc dù giảm trong tuần qua, giá ngô hiện vẫn cao hơn mức trung bình của nhiều năm qua, thúc đẩy nông dân gia tăng trồng loại cây này.
Đầu năm nay giá lương thực toàn cầu đã tăng mạnh do giá ngũ cốc tăng, làm dấy lên quan ngại về an ninh lương thực và sức ép lạm phát, nhất là ở các nước đang phát triển. Cho dù sau đó giá cả đã dịu xuống, nhưng trong tháng 5 giá lương thực vẫn tăng 37% so với cùng kỳ năm trước.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng làm tăng chi phí nguyên liệu của Tyson 500 triệu USD trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 9 tới. Ngô và đậu tương chiếm 42% chi phí nuôi gà, sản phẩm chiếm khoảng 34% doanh thu của hãng trong năm tài chính 2010.
Bất cứ sự suy giảm cầu ngũ cốc của các nhà sản xuất gia súc – gia cầm cũng sẽ bị thổi phồng bởi những dự đoán về mức tiêu dùng nhảy vọt của Trung Quốc. Nước này được dự đoán sẽ sử dụng 181 triệu tấn ngũ cốc. Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc sẽ đạt mức cao kỷ lục 52,5 triệu tấn trong năm 2011. Sản lượng thịt gà của nước này tăng lên mức 13,2 triệu tấn.
Những nhà sản xuất thịt của Mỹ có thể lọc đàn, tăng nguồn cung thịt do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Giá thịt bò lọc bán buôn giảm 9,9%, sau khi đạt mức kỷ lục vào 5/4 và giá lợn giảm 2,6% từ mức cao đạt vào 16/5. Giá thịt lợn nguội bán lẻ ở mức 4,77 USD/pound trong tháng 5, tăng 24% so với một năm trước.
Giá dầu tăng cao có thể đẩy nhu cầu ngô sử dụng làm ethanol tăng cao, và giá ngô có thể vượt 9 USD/bushel. Theo ước tính của chính phủ nước này, Mỹ sẽ sử dụng 5,05 ngàn tỷ bushel ngô để sản xuất nhiên liệu sinh học trong năm 2011, so với mức 707 triệu tấn trong năm 2002.
Nông dân chăn nuôi cũng có thể thay thế ngô bằng lúa mỳ trong thức ăn chăn nuôi do hiện giá lúa mỳ đang thấp nhất so với giá ngô trong vòng 15 năm qua.
Nhu cầu hàng hóa, đặc biệt là nông sản, có thể không tăng nhanh như dự tính của USDA do kinh tế thế giới đang tăng trưởng chững lại. Các chỉ số sản xuất tại khu vực New York và Philadelphia giảm trong tháng 6. Nhật Bản lâm vào suy thoái lần thứ 3 chỉ trong 1 thập kỷ. Nền kinh tế Úc suy giảm nhiều nhất trong vòng 20 năm qua vào quý 1 vừa qua. Trung Quốc tăng dự trữ bắt buộc lên mức kỷ lục để làm dịu đi tình hình lạm phát tăng cao trong 3 năm qua.
Theo OECD, giá cao thúc đẩy nông dân sản xuất nhưng đang làm tổn thương nghiêm trọng các nước nghèo. Chi phí ngũ cốc đã tăng trung bình 20% và thịt tăng 30% trong hơn một thập kỷ qua.
Hiện nông dân Mỹ đã hoàn thành 99% hoạt động gieo trồng. 69% diện tích mùa vụ hiện đang trong tình trạng tốt hoặc rất tốt. Giá vẫn cao hơn mức trung bình nhiều năm sẽ thúc đẩy nông dân tiếp tục gieo trồng.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng ngô toàn cầu sẽ tăng 5,6%, lên mức 866,2 triệu USD, vẫn quá thấp so với nhu cầu 871,7 triệu tấn. Tiêu dùng thịt lợn của Trung Quốc tăng gấp đôi trong 2 thập kỷ qua và nhu cầu với thịt gà tăng gấp 4 lần, theo ước tính của USDA, đã thúc đẩy nhu cầu ngũ cốc dùng làm thức ăn chăn nuôi. Giá năng lượng tăng cạo và các hình thức trợ cấp đã thúc đẩy sản xuất ethanol. Ngành sản xuất ethanol của Mỹ đã tăng lượng ngô sử dụng lên gấp 7 lần trong 10 năm qua. Giữa các ngành thức ăn chăn nuôi, ethanol và thực phẩm đang diễn ra một cuộc chiến giành quyền sử dụng loại ngũ cốc này. Bất cứ diễn biến thời tiết bất lợi nào cũng có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về nguồn cung.
Theo dự thảo sẽ được trình lên Hội nghị bộ trưởng nông nghiệp G20 diễn ra tại Pháp trong hai ngày 22 và 23/6, nhóm G20 sẽ khởi động kế hoạch giám sát các nguồn cung ngũ cốc chủ chốt trên thế giới nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ đẩy giá lên cao.
Ông Romain Benicchio từ Oxfam International cho rằng các đề xuất của G20 khá dè dặt vì đã không nhắc tới việc sử dụng lương thực để sản xuất nhiên liệu sinh học "góp phần" làm gia tăng biến động giá lương thực. Theo ông, các giải pháp mà G20 đưa ra chưa đủ và kêu gọi chấm dứt trợ cấp nhiên liệu sinh học.
Dự thảo cũng đề cập tới việc G20 chia sẻ thông tin thị trường thông qua cơ sở dữ liệu chung mang tên Hệ thống Thông tin Thị trường Nông sản (AMIS) được đặt tại Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO). Các nước không thuộc G20 và các công ty thuộc khu vực tư nhân được khuyến khích tham gia cơ sở dữ liệu bằng cách cung cấp chi tiết về dự trữ và sản lượng lúa mì, ngô, đậu tương và gạo. Hệ thống dữ liệu sau đó sẽ được mở rộng sang các loại lương thực khác. Dữ liệu từ AMIS sẽ được sử dụng để giúp xây dựng các chính sách giải quyết khủng hoảng lương thực. G20 nhất trí rằng quản lý rủi ro của biến động giá lương thực tại các nước phát triển và đang phát triển sẽ có đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp dài hạn.
Các bộ trưởng nông nghiệp G20 sẽ hối thúc các bộ trưởng tài chính của Nhóm kiểm soát hoạt động đầu cơ hàng nông sản bằng cách thông qua các quy định khắt khe hơn đối với các thị trường nông sản phái sinh. Dự thảo cũng kêu gọi các bộ trưởng tài chính G20 áp đặt giới hạn giao dịch đối với các thị trường kỳ hạn, nhằm hạn chế số lượng mà các nhà đầu cơ có thể đặt cược giá lương thực lên hay xuống.
Pháp và các nước khác đổ lỗi cho làn sóng đầu tư quá mức là nguyên nhân gây ra đợt tăng giá gần đây trên thị trường hàng hóa thế giới. Một trong những ưu tiên trong nhiệm kỳ làm chủ tịch G-20 của Pháp là nước này đã đưa ra quy định cứng rắn hơn đối với các thị trường hàng hóa, nhất là nông sản.
Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Bruno Le Maire đã tới các nước G20 để vận động hành lang cho các đề xuất đó và liệu ông có thành công hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự ủng hộ của Mỹ, nước có các sàn giao dịch ngũ cốc lớn nhất thế giới.
Giá hàng hóa thế giới
Hàng hóa
|
ĐVT
|
Giá
|
+/-
|
+/-(%)
|
+/-(so theo năm)
|
Dầu thô WTI
|
USD/thùng
|
93,29
|
0,28
|
0,3%
|
2,1%
|
Dầu thô Brent
|
USD/thùng
|
111,59
|
-1,62
|
-1,4%
|
17,8%
|
Khí thiên nhiên
|
USD/gallon
|
4,317
|
-0,008
|
-0,2%
|
-2,0%
|
Vàng giao ngay
|
USD/ounce
|
1541,50
|
2,90
|
0,2%
|
8,4%
|
Vàng kỳ hạn
|
USD/ounce
|
1539,25
|
0,85
|
0,1%
|
8,4%
|
Đồng Mỹ
|
US cent/lb
|
409,25
|
-2,85
|
-0,7%
|
-8,0%
|
Đồng LME
|
USD/tấn
|
9005,00
|
-90,00
|
-1,0%
|
-6,2%
|
Dollar
|
|
75,048
|
0,060
|
0,1%
|
-5,0%
|
CRB
|
|
335,990
|
0,510
|
0,2%
|
1,0%
|
Ngô Mỹ
|
US cent/bushel
|
700,50
|
0,25
|
0,0%
|
11,4%
|
Đậu tương Mỹ
|
US cent/bushel
|
1335,75
|
2,75
|
0,2%
|
-4,2%
|
Lúa mì Mỹ
|
US cent/bushel
|
659,25
|
-13,00
|
-1,9%
|
-17,0%
|
Cà phê Mỹ
|
US cent/lb
|
243,60
|
-5,95
|
-2,4%
|
1,3%
|
Cacao Mỹ
|
USD/tấn
|
2967,00
|
50,00
|
1,7%
|
-2,2%
|
Đường Mỹ
|
US cent/lb
|
27,47
|
1,10
|
4,2%
|
-14,5%
|
Bạc Mỹ
|
USD/ounce
|
36,071
|
0,323
|
0,9%
|
16,6%
|
Bạch kim Mỹ
|
USD/ounce
|
1730,50
|
-21,60
|
-1,2%
|
-2,7%
|
Palladium Mỹ
|
USD/ounce
|
748,20
|
2,80
|
0,4%
|
-6,9%
|
(T.H – Tổng hợp từ Reuters)